Mã số mã vạch là tập hợp dãy số và vạch kẻ song song được in trên bao bì, nhãn mác của sản phẩm. Đăng ký mã số mã vạch giúp truy xuất nguồn gốc của hàng hoá trên thị trường đồng thời hạn chế hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Đọc thêm: Mã số mã vạch là gì? Tại sao cần đăng ký mã số mã vạch
Mục lục
1. Lợi ích mã số mã vạch đem lại cho doanh nghiệp là gì?
Doanh nghiệp chỉ cần bỏ ra một khoản chi phí nhỏ đăng ký mã số mã vạch nhưng nhận lại nhiều lợi ích như:
– Kiểm soát dữ liệu hàng hoá: với hàng nghìn sản phẩm được sản xuất ra trong một ngày thì mã số mã vạch giúp doanh nghiệp quản lý thông tin về số lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng của các sản phẩm lưu trữ trong kho cũng như các sản phẩm đang lưu thông trên thị trường một cách tự động;
– Mã số mã vạch cung cấp thông tin về ngày sản xuất, nơi xuất xứ, hạn sử dụng, thành phần của hàng hoá. Sử dụng mã số mã vạch giúp hạn chế hành vi làm giả, làm nhái hàng hoá ngày càng tinh vi;
– Là điều kiện tiên quyết để sản phẩm được bày bán trong siêu thị. Các hệ thống của hàng bán lẻ, siêu thị lớn như Vinmart, Big C đều dùng mã số mã vạch để quản lý hàng hoá nhập vào cùng như xuất ra. Doanh nghiệp muốn đưa sản phẩm của mình vào siêu thị thì mã số mã vạch là điều kiện bắt buộc.
2. Thủ tục đăng ký mã số mã vạch mới nhất năm 2020
2.1. Điều kiện đăng ký mã số mã vạch
Để được đăng ký mã số mã vạch tổ chức, cá nhân cần đáp ứng điều kiện sau
– Đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp;
– Đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với hộ kinh doanh cá thể;
– Nộp hồ sơ, lệ phí đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý mã số mã vạch.
2.2. Hồ sơ đăng ký mã số mã vạch
– Bản đăng ký sử dụng mã số mã vạch (LNP Law soạn thảo);
– Bản đăng ký danh mục sản phẩm sử dụng mã GTIN (LNP Law soạn thảo);
– Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh cá thể (khách hàng cung cấp). Trường hợp nộp bản photo thì mang theo bản chính Giấy chứng nhận đăng ký để đối chiếu khi nộp hồ sơ.
2.3. Thẩm quyền tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký mã số mã vạch
Thẩm quyền cấp, quản lý mã số, mã vạch tại Việt Nam thuộc về Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia (GS1 Việt Nam), trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
2.4. Trình tự đăng ký mã số mã vạch
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký mã số mã vạch thực hiện theo các bước sau:
– Bước 1: Đăng ký tài khoản, nhập thông tin hồ sơ của doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh trên hệ thống trực tuyến quản lý mã số mã vạch Việt Nam (VNPC);
– Bước 2: Nộp hồ sơ bản giấy + phí đăng ký cấp, phí sử dụng năm đầu tiên tại Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia;
– Bước 3: Sau khi hồ sơ bản cứng được duyệt. VNPC sẽ cấp mã để doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự kê khai thông tin sản phẩm, thực hiện phát hành và công bố mã số mã vạch trên hệ thống. Đến bước này mã số mã vạch đã có thể được sử dụng để gắn lên bao bì, nhãn mác sản phẩm.
– Bước 4: Tổ chức, cá nhân đăng ký mã số mã vạch sẽ được Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch.