Theo quy định tại Điều 2 Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007, người có nghĩa vụ phải nộp thuế thu nhập cá nhân bao gồm cả cá nhân cư trú và không cư trú tại Việt Nam có thu nhập chịu thuế, cụ thể như sau:
– Trong trường hợp cá nhân cư trú, thu nhập có được từ cả trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam đều được xác định là thu nhập chịu thuế để làm căn cứ đóng thuế thu nhập cá nhân.
– Riêng với trường hợp cá nhân không cư trú, những thu nhập mà họ có được từ trong lãnh thổ Việt Nam đều được xác định là thu nhập chịu thuế.
Các khoản thu nhập được xác định để tính thuế thu nhập cá nhân cho người có thu nhập cao được xác định tại Điều 3 Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 như sau:
– Các khoản thu nhập có được từ các hoạt động trong kinh doanh (không bao gồm thu nhập của cá nhân thực hiện kinh doanh có lợi nhuận thu được từ 100 triệu đồng/năm trở xuống)
– Những khoản thu nhập từ chính công sức lao động của cá nhân đó như tiền công, tiền lương.
– Các khoản thu nhập có được từ việc đầu tư hay chuyển nhượng vốn.
– Các khoản thu nhập từ hoạt động không thường xuyên tính theo từng lần khác như trúng thưởng, nhận thừa kế, chuyển nhượng đất đai, khoản thu qua bản quyền, nhượng quyền thương mại, nhận quà tặng,…
Như đã đề cập ở trên, khi cá nhân có thu nhập cao và thuộc vào trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân đều phải đóng thuế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sau khi đã hoàn tất thủ tục và nộp thuế đầy đủ, cá nhân nộp thuế vẫn có thể được hoàn thuế. Tại Khoản 2 Điều 8 Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 đã quy định cụ thể và rõ ràng những trường hợp mà cá nhân được hoàn thuế như sau:
– Trường hợp một: Cá nhân được hoàn thuế thu nhập cá nhân nếu số tiền thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp.
Đối với cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân, số tiền để nộp thuế được tính theo công thức sau:
Thuế thu nhập cá nhân = Thu nhập tính thuế (đã trừ các khoản giảm trừ theo quy định) x Thuế suất
Theo quy định của Luật Thuế Thu nhập cá nhân năm 2007 và Luật Quản lý thuế, thì người nộp thuế thuộc diện phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân có trách nhiệm khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Khi xác định được số tiền thuế mà họ đã nộp lớn hơn số thuế mà họ phải nộp theo quy định của pháp luật thì cá nhân đó có thể làm thủ tục để được hoàn thuế đối với phần tiền thuế đã nộp dư.
– Trường hợp hai: Cá nhân đã nộp thuế tuy nhiên họ lại thuộc trường hợp có thu nhập tính thuế chưa đến mức phải nộp thuế.
Trong nhiều trường hợp, đặc biệt là với người nộp thuế là người lao động, hàng tháng họ sẽ được tạm trừ tiền thuế thu nhập cá nhân và thực hiện quyết toán lại vào cuối năm. Nếu sau khi quyết toán họ phát hiện ra rằng với mức thu nhập đó của họ chưa cần phải nộp thuế thì theo quy định của pháp luật, trường hợp này có thể được hoàn thuế.
– Trường hợp ba: Các trường hợp khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài hai trường hợp cụ thể như trên, người nộp thuế thu nhập cá nhân cũng có thể được hoàn thuế trong trường hợp đặc thù nếu như có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, theo như quy định này người thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân sẽ được đảm bảo quyền và lợi ích của mình trong quá trình thu nộp thuế. Tuy nhiên, việc hoàn thuế chỉ có thể được thực hiện nếu cá nhân nộp thuế có thể đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 28 Nghị định 65/2013/NĐ-CP như sau:
– Cá nhân đóng thuế thu nhập cá nhân thuộc trường hợp hoàn thuế phải là người đã thực hiện việc đăng ký và được cung cấp mã số thuế tại thời điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế.
– Phải có đề nghị hoàn thuế của chính cá nhân nộp thuế hoặc của tổ chức, cá nhân được người phải nộp thuế ủy quyền. Trong trường hợp này, các tổ chức hay cá nhân thực hiện trả thu nhập phải tiến hành thực hiện bù trừ số thuế của cá nhân để xác định số thuế đã nộp thừa.
Thứ ba, hồ sơ cần chuẩn bị để thực hiện thủ tục hoàn thuế theo quy định pháp luật.
Theo quy định tại Điều 53 Thông tư 156/2013/TT-BTC, nếu sau khi thực hiện quyết toán thuế có căn cứ xác định cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân thuộc vào trường hợp hoàn thuế, có đủ điều kiện để được hoàn thuế và có đề nghị thì cá nhân hoặc tổ chức cần chuẩn bị hồ sơ và nộp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp với các loại giấy tờ sau:
– Giấy đề nghị hoàn trả khoản thuế đã nộp sẽ được hoàn trả (theo mẫu quy định).
– Các tài liệu chứng cứ chứng minh về việc đã nộp thuế thu nhập cá nhân của cá nhân (hoặc của tổ chức, cá nhân được cá nhân đó ủy quyền) như chứng từ, biên lai (bản chụp).
Lưu ý:
– Khi nộp hồ sơ đề nghị hoàn trả trên thì người nộp hồ sơ đồng thời phải có cam kết chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của những hóa đơn, chứng từ nộp thuế mà họ đã cung cấp.
– Riêng với trường hợp nếu thuế thu nhập cá nhân mà họ phải nộp được tính từ các khoản tiền lương, tiền công trực tiếp thì không cần phải nộp hồ sơ hoàn thuế. Cơ quan quản lí thuế trực tiếp sẽ thực hiện thủ tục hoàn trả lại thuế sau khi họ thực hiện các thủ tục cần thiết theo hướng dẫn.
Trên đây là các thông tin hữu ích về Các trường hợp được hoàn thuế thu nhập cá nhân mà LNP cung cấp. Để biết thêm các thông tin chi tiết khác, vui lòng liên hệ: Hotline: 093-292-9912 hoặc Email: lnpvnn@gmail.com
Vui lòng xem thêm dịch vụ khác tại Tư vấn pháp lý LNP
Rất hân hạnh được đồng hành và hợp tác cùng Quý Doanh nghiệp!