1. Thủ tục thay đổi tên công ty
* Hồ sơ bao gồm:
– Doanh nghiệp gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp. Nội dung Thông báo gồm:
- Tên hiện tại, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp, mã số thuế)
- Tên dự kiến thay đổi
- Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
– Kèm theo Thông báo phải có Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần và của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; Quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Quyết định, biên bản họp phải ghi rõ những nội dung được sửa đổi trong Điều lệ công ty.
– Văn bản ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ và nhận kết quả nếu không phải là người đại diện theo pháp luật và bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người được ủy quyền thực hiện thủ tục.
* Nơi nộp hồ sơ: Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi công ty đặt trụ sở chính.
* Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
2. Thủ tục thay đổi con dấu
Do nội dung con dấu của công ty bao gồm tên công ty và mã số công ty. Vì vậy, khi thay đổi tên công ty thì con dấu pháp nhân của công ty cũng phải thay đổi. Sau khi tạo con dấu mới, công ty phải thực hiện thông báo với Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở trước khi sử dụng.
* Hồ sơ:
– Thông báo về việc thay đổi mẫu con dấu / số lượng con dấu của công ty (mẫu Phụ lục II-9 ban hành kèm theo Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT)
– Văn bản ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ và nhận kết quả nếu không phải là người đại diện theo pháp luật. Văn bản này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực. Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người được ủy quyền thực hiện thủ tục.
* Nơi nộp hồ sơ: Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi công ty đặt trụ sở chính.
* Thời hạn giải quyết: Ngay khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ trao giấy biên nhận cho công ty và thực hiện đăng tải mẫu con dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
3. In ấn lại hóa đơn giá trị gia tăng VAT
Đối với các doanh nghiệp phải có hóa đơn VAT thì sau khi thay đổi tên công ty cũng cần phải thay đổi hóa đơn VAT vì trong hóa đơn bắt buộc phải có tên của công ty.
* Cách 1: Đóng dấu mới vào hóa đơn và thông báo thay đổi mẫu hóa đơn đặt in cho cơ quan thuế.
* Cách 2: Thông báo hủy hóa đơn cũ còn tồn đọng, đặt in hóa đơn mới và thông báo sử dụng mẫu hóa đơn mới cho cơ quan thuế.
4. Thông báo việc thay đổi với cơ quan có liên quan
Sau khi thay đổi tên, doanh nghiệp cũng cần thông báo tới các cơ quan liên quan như: Thuế, Ngân hàng, bảo hiểm, đối tác, bạn hàng và các cơ quan quản lý chuyên ngành…
5. Các tài sản đăng ký sở hữu bởi công ty cũng phải thay đổi theo tên mới.
Sau khi thay đổi tên công ty, các tài sản đăng ký sở hữu bởi công ty cũng phải thay đổi theo tên mới. Ví dụ như: Giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…