Khi cả Tòa án và Trọng tài đều có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện hợp đồng ngoại thương, việc lựa chọn phương thức giải quyết phù hợp sẽ giúp các bên đảm bảo được lợi ích, thời gian và chi phí.
Nguyên tắc giải quyết
Tòa án thông thường xét xử theo nguyên tắc công khai, khác với nguyên tắc giải quyết tranh chấp không công khai của Trọng tài thương mại. giải quyết không công khai sẽ giúp doanh nghiệp giữ được bí mật kinh doanh và danh tiếng trên thị trường.
Hình thức giải quyết
Đương sự không được lựa chọn Thẩm phán, thời gian, địa điểm xét xử nếu lựa chọn Tòa án.
Ngược lại, khi lựa chọn Trọng tài, các bên được quyền lựa chọn một Trọng tài viên hoặc Hội đồng Trọng tài gồm nhiều Trọng tài viên để giải quyết. Các Trọng tài viên thường là những chuyên gia uy tín và có nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra, khi lựa chọn Trọng tài, các bên còn được quyền linh động lựa chọn thêm cả ngôn ngữ, thời gian và địa điểm giải quyết tranh chấp.
Xem thêm >> Giải quyết tranh chấp bằng tòa án
Xem thêm >> Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Hiệu lực của phán quyết
Do Tòa án áp dụng hình thức xét xử 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm, các đương sự vẫn có thể kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa án trong trường hợp không đồng ý với phán quyết mà Tòa sơ thẩm đưa ra. Trong khi đó phán quyết của Hội đồng Trọng tài có giá trị chung thẩm, có thể thi hành ngay hoặc có thể yêu cầu hủy phán quyết.
Như vậy, một khi phán quyết bị tuyên hủy, các bên có thể thỏa thuận lại để đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Trọng tài hoặc một bên có quyền khởi kiện tại Tòa án.
Thời gian tố tụng
Đặc thù của việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài là một Trọng tài viên hoặc một Hội đồng Trọng tài sẽ xử lý một tranh chấp từ khi tiếp nhận đơn khởi kiện cho đến khi tranh chấp được giải quyết hoàn toàn và phán quyết được đưa ra.
Việc xét xử tại Tòa án tốn thời gian hơn trọng tài. Tòa án hàng ngày phải thụ lý rất nhiều vụ việc ở nhiều lĩnh vực như: thương mại, dân sự, hôn nhân gia đình… Sự thiếu hụt về đội ngũ Thẩm phán cộng thêm việc Thẩm phán không chuyên trách về một lĩnh vực, Thẩm phán phải xử lý quá nhiều việc dẫn đến tình trạng tồn đọng án, thêm vào đó là hình thức xét xử theo 2 cấp khiến 1 tranh chấp đưa đến Tòa có thể kéo dài đến vài năm vẫn chưa giải quyết được.
Chi phí giải quyết
Án phí xét xử tại Tòa án được ấn định sẵn theo quy định của pháp luật và thấp hơn rất nhiều so với chi phí phải trả để giải quyết tranh chấp bằng con đường Trọng tài. Phí Trọng tài khác nhau tùy thuộc vào giá trị của tranh chấp và do Trung tâm Trọng tài ấn định.
Với biểu phí Trọng tài của VIAC từ 16,5 triệu đồng đến hơn 3,6 tỷ đồng hiện nay, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không đáp ứng được sẽ chọn con đường giải quyết tranh chấp bằng Tòa án để tiết kiệm chi phí.
Khả năng thi hành
Do bản chất Toà án là cơ quan nhân danh Nhà nước để giải quyết tranh chấp, phán quyết của Toà án được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước, có đầy đủ bộ máy, phương tiện để thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật. Việc thi hành bản án của Tòa án tại nước ngoài khá khó khăn vì chúng ta chỉ mới ký Hiệp định tương trợ tư pháp với một số quốc gia trên thế giới.
Trong khi đó, việc thực hiện các quyết định của Trọng tài hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự nguyện của các bên, nếu bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết Trọng tài thì bên được thi hành phải làm đơn yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết Trọng tài để đảm bảo lợi ích cho mình.
_________________________________
Với kinh nghiệm 10 năm trong nghề, chúng tôi với đội ngũ Luật sư và chuyên viên tư vấn tự tin cung cấp dịch vụ pháp lý của mình đến khách hàng trên toàn quốc.
Liên hệ Luật sư tư vấn và hỗ trợ tất cả các Dịch vụ liên quan đến hợp đồng, giải quyết tranh chấp hợp đồng:
Địa chỉ: số 225A Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 02463292936
HOTLINE: 0832929912
Email: info@lnplegal.com