Hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế đang được rất nhiều doanh nghiệp giữa các nước thực hiện sôi động, giữ vị trí trung tâm trong các giao dịch thương mại quốc tế.
Đọc thêm: Đối tượng, nội dung và mục đích của hợp đồng thương mại
Mục lục
Cơ sở pháp lý điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
- Luật dân sự 2015;
- Luật thương mại 2005;
- Các văn bản pháp luật khác.
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là gì?
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hợp đồng mua bán hàng hóa mà trong đó, hàng hóa được mua bán có sự chuyển dịch qua biên giới của một Quốc Gia, vùng lãnh thổ. Biên giới có thể là biên giới lãnh thổ địa lý hoặc biên giới có tính pháp lý nhưng không dịch chuyển về lãnh thổ. Theo quy định của Luật Thương mại hiện hành, thì Mua bán hàng hoá quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Cũng theo quy định của Luật Thương mại hiện hành, thì mua bán hàng hoá quốc tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu.
Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
– Điều kiện về năng lực dân sự của chủ thể giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
– Điều kiện về nội dung hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế không trái quy định pháp luật, thuần phong mỹ tục, hàng hóa mua bán không thuộc trường hợp pháp luật cấm kinh doanh của Việt Nam và nước đối tác.
– Việc giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải dựa trên sự tự nguyện, bình đẳng không bị ép buộc, lừa dối.
Đặc điểm cơ bản của hợp đồng mua bán hàng hóa
Về chủ thể:
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được thiết lập giữa các chủ thể là thương nhân. Luật thương mại 2005 quy định : thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp , cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng kí kinh doanh
Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức không phải là thương nhân cũng có thể trở thành chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Theo đó, hoạt động của bên chủ thể không phải là thương nhân và không nhằm mục đích lợi nhuận trong quan hệ mua bán hàng hóa phải tuân theo Luật thương mại khi chủ thể này lựa chọn áp dụng Luật thương mại.
Về hình thức:
Điều 11 của Công ước Viên năm 1980 quy định rằng hợp đồng mua bán quốc tế hàng hoá có thể được ký kết bằng lời nói và không cần thiết phải tuân thủ bất kỳ yêu cầu nào khác về mặt hình thức của hợp đồng. Còn Điều 96 thì lại cho phép các quốc gia bảo lưu, không áp dụng Điều 11 trên nếu luật pháp của quốc gia đó quy định hình thức văn bản là bắt buộc đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Tuy nhiên, chúng tôi khuyến nghị Doanh nghiệp Việt Nam nên sử dụng hợp đồng bằng văn bản với các nội dung đầy đủ và chi tiết, đó sẽ là cơ sở để bảo vệ quyền lợi của chính doanh nghiệp trong quá trình giao kết hợp đồng thương mại quốc tế.
Về đối tượng:
Hàng hoá là đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế là động sản, tức là hàng có thể chuyển qua biên giới của một nước.
Nội dung cơ bản của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
- Đối tượng của hợp đồng:đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hàng hóa. Theo đó hàng hóa phải được ghi cụ thể, chính xác tên thường gọi đối với hàng hóa đó, có kèm theo tên thương mại hoặc tên khoa học (nếu có) và đặc biệt cần phải quy định rõ về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.
- Số lượng hoặc khối lượng của hàng hóa:Để đảm bảo các bên không giao nhầm hoặc giao thiếu, đây là một điều khoản hết sức quan trọng. Thông thường các bên sẽ ghi rõ số lượng hàng hóa được mua , bán. Tuy nhiên, các bên cũng sẽ có điều khoản quy định về số hàng hóa có thể tăng hoặc giảm, tức là cho phép sai số trong một khoảng nhất định.
- Giá cả hàng hóa:giá cả là một điều khoản cơ bản của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nên các bên cần phải thỏa thuận và quy định cụ thể. Đặc biệt nếu hợp đồng được thực hiện trong một thời gian dài, thì các bên nên có thỏa thuận quy định vấn đề về biến động giá cả, theo đó các bên có thể tiến hành đàm phán lại giá cả trong trường hợp sự biến động giá cả có thể gây thiệt hại cho một trong các bên. Đây là một quy định cần thiết nhằm hạn chế những tổn thất lớn cho các bên khi có sự biến động về giá cả.
- Thời hạn giao hàng:để đảm bảo quyền lợi của mình và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao nhận hàng các bên cần phải thỏa thuận cụ thể về thời gian giao hàng. Thời gian giao hàng có thể được các bên ấn định vào một thời điểm cụ thể hoặc vào một thời gian cụ thể. Tuy nhiên nếu trong hợp đồng có thỏa thuận về giao hàng nhiều lần thì các bên nên quy định cụ thể về từng lần giao hàng, nhằm tránh trường hợp không thực hiện việc giao hàng nhưng không thể ràng buộc nghĩa vụ vì không đủ cơ sở pháp lí.
- Phương thức giao hàng:Đây là một điều khoản cực kì quan trọng vì nó liên quan đến các vấn đề như: thuê phương tiện vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa, đặc biệt liên quan đến việc xác định thời điểm chuyển dịch quyền sở hữu và rủi ro đối với hàng hóa từ người bán sang người mua. Trong thực tiễn mua bán hàng hóa quốc tế khi thỏa thuận về phương thức giao hàng các bên thường sử dụng các điều kiện giao hàng được quy định trong tập quán thương mại
- Điều khoản về thanh toán: có thể nói thanh toán là nghĩa vụ cơ bản và quan trọng nhất của bên mua. Ngược lại đó là quyền lợi quan trọng nhất của bên bán. Cho nên các vấn đề liên quan đến điều khoản thanh toán bao gồm: phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán và địa điểm thanh toán cần được các bên thỏa thuận cụ thể.
Hy vọng rằng với bài viết của chúng tôi sẽ giải quyết được những vướng mắc về việc Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo quy định pháp luật năm 2020 của Quý khách hàng . Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty TNHH Tư vấn pháp lý LNP .