Đầu tư ra nước ngoài  dưới  hình thức hợp đồng BCC theo quy định hiện hành năm 2020

Đầu tư ra nước ngoài là việc nhà đầu tư Việt Nam thực hiện chuyển vốn góp ra nước ngoài để thực hiện đầu tư. Có nhiều hình thức đầu tư tại nước ngoài như thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, góp vốn thành lập chi nhánh tại nước ngoài…

Với nhiều nhà đầu tư thì việc đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC là một  lựa chọn tốt. Nó đảm bảo được sự thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về thị trường đầu tư của nhà đầu tư.

Xem thêm: Thành lập văn phòng đại diện công ty Úc tại Việt Nam theo quy định pháp luật hiện hành

Xem thêm: Xin GCN đầu tư ra nước ngoài có khó không?

Hợp đồng BCC là gì?

Hợp đồng BCC (Business Cooperation Contract) hay còn gọi là hợp đồng hợp tác kinh doanh, là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên vẫn giữ nguyên tư cách pháp lí của chính mình, nhân danh mình để thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng. Với cơ chế đàm phán để chia sẻ lợi ích cũng như nghĩa vụ trong hoạt động đầu tư, đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh có tính linh hoạt, do không có sự ràng buộc về tổ chức bằng một pháp nhân chung của các tổ chức, cá nhân có quan hệ đầu tư với nhau.Các vân đề cơ bản về Hợp đồng hợp tác kinh doanh được quy định tại khoản 9 Điều 3  và Điều 28 Luật đầu tư 2014, theo đó:

  • Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
  • Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 37 của Luật này.
  • Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.

Đặc điểm của hợp đồng BCC

  • Chủ thể của hợp đồng là các nhà đầu tư bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Số lượng chủ thể trong từng hợp đồng không giới hạn, tùy thuộc vào quy mô dự án và nhu cầu, khả năng mong muốn của các nhà đầu tư.
  • Hình thức của hợp đồng: không bắt buộc lập thành văn bản, trừ trường hợp dự án đầu tư phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra dự án.
  • Nội dung của hợp đồng: là những thỏa thuận hợp tác kinh doanh bao gồm các thỏa thuận cùng góp vốn kinh doanh, cùng phân chia lợi nhuận và cùng chịu rủi ro.

Vậy ở hình thức thực hiện hợp đồng BCC ở nước ngoài chính là bạn kí kết với một nhà đầu tư khác ở tại nước bạn muốn đầu tư một hợp đồng hợp tác kinh doanh với mục đích hợp tác với nhau kinh doanh ở nước ngoài, sau đấy cùng phân chia lợi nhuận và phân chia sản phẩn nhưng không phải với hình thức thành lập tổ chức kinh tế.

Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC

Thủ tục đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC

Việc đầu tư ra nước theo hình thức hợp đồng BCC  tuân theo quy định pháp luật Việt Nam và nước nơi tiếp nhận đầu tư, điều ước quốc tế mà các bên tham gia, là thành viên.

Trước khi đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư cần cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài và thực hiện thủ tục đầu tư ra nước theo hình thức hợp đồng BCC.

Hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài

  • Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
  • Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
  • Đề xuất dự án đầu tư;
  • Văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự án đầu tư
  • Văn bản Cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản của tổ chức tín dụng được phép cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư;
  • Tài liệu xác nhận địa điểm thực hiện dự án đầu tư đối với các dự án: Dự án năng lượng; Dự án nuôi, trồng, đánh bắt, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy hải sản; Dự án đầu tư trong lĩnh vực khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; Dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến, chế tạo; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản, cơ sở hạ tầng. Các văn bản tài liệu có thể là: Giấy phép đầu tư hoặc văn bản có giá trị tương đương của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư, trong đó có nội dung xác định địa điểm và quy mô sử dụng đất Quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; Hợp đồng trúng thầu, thầu khoán hoặc hợp đồng giao đất, cho thuê đất; hợp đồng hợp tác đầu tư, kinh doanh, trong đó xác định rõ địa điểm, quy mô sử dụng đất; Thỏa thuận nguyên tắc về việc giao đất, cho thuê đất, thuê địa điểm kinh doanh, thỏa thuận hợp tác đầu tư, kinh doanh của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tại quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư.
  • Quyết định đầu tư ra nước ngoài
  • Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, khoa học và công nghệ, nhà đầu tư nộp văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, Luật chứng khoán, Luật khoa học và công nghệ, Luật kinh doanh bảo hiểm.
  • Văn bản ủy quyền.

Xử lý hồ sơ

  • Nhà đầu tư nộp hồ sơ dự án đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan.
  • Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định về những nội dung thuộc thẩm quyền quản lý.
  • Đối với dự án cần Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định và lập báo cáo thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ.
  • Đối với dự án cần Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư: Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước (trong 05 ngày). Hội đồng thẩm định nhà nước tổ chức thẩm định và lập báo cáo thẩm định (trong vòng 90 ngày) và Chính phủ gửi Hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài đến cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội (trước khai mạc kỳ họp Quốc hội 60 ngày).

Sau khi có GCN đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư tiến hành đầu tư ra nước theo hình thức hợp đồng BCC theo quy định của nước nơi thực hiện dự án.

Khi thực hiện đầu tư ra nước theo hình thức hợp đồng BCC, nhà đầu tư cần quan tâm đến những địa bàn, lĩnh vực đầu tư được nước tiếp nhận đầu tư ban hành chính sách ưu đãi và thực hiện hoạt động đầu tư theo quy định pháp luật liên quan, đồng thời phải tìm hiểu rõ về đối tác thực hiện dự án. Chỉ thực hiện dự án khi đã tìm hiểu rõ về tình hình tài chính, nhận sự, uy tín của đối tác tại nước ngoài.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về Đầu tư ra nước ngoài  dưới  hình thức hợp đồng BCC. Nếu có mong muốn sử dụng dịch vụ của LNP Law vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây.