Ý nghĩa của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa

Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu  mang lại cho doanh nghiệp độc quyền ngăn chặn người khác sử dụng nhãn hiệu giống hoặc tương tự gây nhầm lẫn. Nếu không đăng ký, việc đầu tư tiếp thị một sản phẩm của doanh nghiệp có thể trở nên vô ích bởi vì công ty đối thủ có thể sử dụng nhãn hiệu giống hoặc gây nhầm lẫn.

 Đọc thêm: Đăng ký nhãn hiệu tại Hà Nội

Đọc thêm: Xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu

Thứ nhất, đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng cho chủ sở hữu

Theo khái niệm về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, có thể hiểu rằng khi chủ sở hữu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của mình, chủ sở hữu sẽ được pháp luật công nhận và được bảo vệ và phát triển dnah tiếng của mình trên thị trường.

Nhãn hiệu hàng hóa tạo ra giá trị cho sản phẩm, khách hàng sẽ rất sẵn lòng trả giá cao hơn để được sử dụng sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu mà họ yêu thích. Đồng thời, họ cũng sẵn sàng sử dụng sản phẩm/dịch vụ đó thường xuyên hơn, vì vậy, giá trị mang lại cho doanh nghiệp sẽ cao hơn.

Chính vì thế, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là việc làm nhằm tạo ra sự khác biệt giữa sản phẩm, dịch vụ của mình với những sản phẩm, dịch vụ cùng loại khác và đây cũng chính là một trong những phương pháp nâng cao giá trị sản phẩm và giá trị của doanh nghiệp.

Thứ hai, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cũng là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Người tiêu dùng là một chủ thể quan trọng không thể thiếu để tạo nên thị trường đa dạng và sôi động như hiện nay. Bởi vậy, trước tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan như hiện nay, người tiêu dùng lại là người sẽ phải chịu những hậu quả trực tiếp từ những hàng hóa thiếu chất lượng.

Với người tiêu dùng, nhãn hiệu hàng hóa có vai trò vô cùng quan trọng. Trong nhịp sống sôi động và bận bịu, với vô vàn các mặt hàng, dịch vụ luôn đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng thì việc bỏ thời gian lựa chọn loại sản phẩm yêu thích và thiết yếu dường như là không thể.

Người tiêu dùng chủ yếu đưa ra quyết định lựa chọn dựa trên kinh nghiệm tiêu dùng, cụ thể chính là sự hiểu biết và tin tưởng của họ về các nhãn hiệu hàng hóa khác nhau của cùng một loại hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, người tiêu dùng không thể khôn ngoan tới mức họ có thể phân biệt được các hàng hóa mang nhãn hiệu thật với những sản phẩm làm nhái, làm giả đầy tinh vi như hiện nay.

Việc mua nhầm xảy ra thường xuyên hơn và hậu quả là không thể lường được. Khi đó, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa là công cụ hữu hiệu nhất để bảo vệ người tiêu dùng. Bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa góp phần đẩy lùi tệ nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, giúp người tiêu dùng thoát khỏi tâm lý hoang mang, lo sợ khi lựa chọn sản phẩm tiêu dùng.

Thứ ba , bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa đôi khi là bảo hộ sản xuất trong nước

Bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa không thỏa đáng có thể được xem là cạnh tranh thiếu lành mạnh và trở thành rào cản đối với việc mở cửa thị trường. Trong một số trường hợp, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa thực chất là việc bảo hộ sản xuất trong nước, chống lại sự xâm nhập của các sản phẩm quốc tế vào thị trường trong nước.

Vụ kiện cá tra, cá basa và nhãn hiệu CATFISH chính là bài học đắt giá về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ nói riêng và thị trường nước ngoài nói chung.

Thứ tư, việc bảo hộ nhãn hiệu tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài

Pháp luật bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa còn tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc thu hút vốn đầu tư và chuyển giao công nghệ nước ngoài. Khi tìm hiểu cơ hội đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến việc tài sản của họ khi đầu tư vào một nước có được pháp luật bảo hộ hay không, đặc biệt là các tài sản trí tuệ, trong đó có nhãn hiệu hàng hóa.

Nếu một nước mà việc bảo hộ nhãn hiệu không tốt nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với tình trạng nhãn hiệu sẽ bị sao chép, bắt chước, làm giả dẫn đến nguy cơ đầu tư thất bại thì nhiều khả năng là họ sẽ lựa chọn một quốc gia khác nơi mà nhãn hiệu hàng hóa của họ được bảo hộ tốt hơn.

Như vậy, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa là công việc không bắt buộc nhưng nó lại có vai trò quan trọng  để doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu đồng thời chống lại các hành vi xâm phạm của các chủ thể khác đối với hàng hóa của công ty mình.