Khi dự án đầu tư sắp hết hạn, nhà đầu tư nước ngoài có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký đầu tư gia hạn dự án đầu tư. Do thay đổi nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà thủ tục gia hạn phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Đọc thêm: Thủ tục thay đổi địa điểm dự án đầu tư theo quy định mới nhất năm 2020
Mục lục
1. Dự án đầu tư có thời hạn hoạt động bao lâu?
Điều 43 Luật Đầu tư 2014 quy định về thời hạn hoạt động của dự án đầu tư, cụ thể:
– Dự án đầu tư trong khu kinh tế có thời hạn hoạt động không quá 70 năm;
– Dự án đầu tư ngoài khu kinh tế có thời hạn hoạt động không quá 50 năm;
– Dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thù hồi vốn chậm thì thời hạn có thể hơn 50 năm nhưng không quá 70 năm.
Thực tế cơ quan nhà nước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thường có thời hạn hoạt động thấp hơn thời hạn tối đa được cấp cho dự án đó.
2. Hồ sơ gia hạn dự án đầu tư gồm những gì?
Khi có nhu cầu thay đổi thời hạn hoạt động trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận. Luật Đầu tư quy định hồ sơ điều chỉnh gồm các tài liệu sau:
– Văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
– Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm đề nghị gia hạn dự án đầu tư;
– Giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2014 liên quan đến việc gia hạn dự án
+ Quyết định của hội đồng thành viên/đại hội đồng cổ đông/chủ sở hữu công ty (nhà đầu tư) về việc điều chỉnh gia hạn dự án;
+ Biên bản họp hội đồng thành viên/đại hội đồng cổ đông về việc gia hạn thời gian hoạt động của dự án;
+ Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của công ty;
+ Giải trình về việc điều chỉnh gia hạn thời gian hoạt động của dự án.
3. Mức phạt khi không tuân thủ quy định pháp luật về gia hạn dự án đầu tư
Luật Đầu tư 2014 quy định dự án đầu tư hết thời hạn hoạt động thì nhà đầu tư có gia hạn hoạt động hoặc chấm dứt dự án đầu tư. Trường hợp chấm dứt thì nhà đầu tư có nghĩa vụ thông báo và nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Thời hạn thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án đầu tư là 15 ngày kể từ ngày chấm dứt hoạt động dự án.
Hết thời hạn trên mà nhà đầu tư không thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án đầu tư thì bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng theo quy định tại điểm đ Khoản 4 Điều 13 Nghị định 50/2016/NĐ-CP. Trường hợp dự án đầu tư đã hết thời hạn hoạt động mà nhà đầu tư vẫn tiếp tục triển khai dự án nhưng không được cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận thì bị phạt từ 40 đến 60 triệu đồng.