Bằng độc quyền sáng chế là văn bằng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ sở hữu khi sản phẩm hay quy trình thỏa mãn các điều kiện quy định của pháp luật. Văn bằng này đem lại những lợi ích gì cho chủ sở hữu và họ cần làm gì để được cấp văn bằng này.
Đọc thêm: Tư vấn viết bản mô tả và phân loại sáng chế Quốc tế IPC cho sáng chế/giải pháp hữu ích
Mục lục
Sáng chế là gì?
Khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định:
“ Sáng chế là giải pháp kĩ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề được xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên”.
Như vậy, sáng chế được tồn tại chủ yếu thông qua hai dạng của giải pháp kĩ thuật là sản phẩm và quy trình, thông qua đó chúng đã tạo điều kiện cho xã hội loài người trải qua những bước phát triển tột bậc, ngày càng văn minh và hiện đại hơn.
Điều kiện bảo hộ sáng chế
Một sáng chế được bảo hộ nếu thỏa mãn đồng thời 03 điều kiện sau đây:
Thứ nhất, có tính mới
Sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộ lộ công khai dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên (đối với trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên).
Thứ hai, có trình độ sáng tạo
Nghĩa là việc tạo ra sáng chế là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
Như vậy, sáng chế phải được tạo ra từ quá trình đầu tư nhất định, là thành quả của ý tưởng sáng tạo nổi trội hơn so với các giải pháp thông thường dựa trên những hiểu biết sâu rộng trong lĩnh vực kỹ thuật.
Thứ ba, có khả năng áp dụng công nghiệp
Nghĩa là có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định.
Bằng độc quyền sáng chế
Bằng độc quyền sáng chế là một văn bằng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (hoặc một cơ quan khu vực nhân danh một số quốc gia) cấp trên cơ sở một đơn yêu cầu bảo hộ, trong đó mô tả một sáng chế và thiết lập một điều kiện pháp lý mà theo đó sáng chế đã được cấp bằng độc quyền chỉ có thể được khai thác một cách bình thường (sản xuất, sử dụng, bán, nhập khẩu) với sự cho phép của chủ sở hữu.
Bằng độc quyền sáng chế thường được coi như “độc quyền”, tức là là sáng chế được cấp bằng độc quyền không thể bị người khác khai thác trong phạm vi quốc gia trừ khi chủ sở hữu đồng ý việc khai thác đó. Chủ sở hữu sáng chế có quyền ngăn cấm người khác khai thác thương mại sáng chế đó, mà thường là quyền ngăn không cho người khác sản xuất, sử dụng hoặc bán sáng chế của mình.
Tại Việt Nam cơ quan có thẩm quyền cấp văn này do Cục Sở Hữu Trí Tuệ Việt Nam cấp phép.
Để được cấp bằng độc quyền sáng chế, bạn phải nộp đơn đăng ký vào cơ quan sáng chế quốc gia hoặc khu vực. Trong đơn đăng ký, bạn phải mô tả sáng chế của mình và so sánh với các công nghệ có trước trong lĩnh vực tương ứng. Thông thường, bạn có thể nhận mẫu đơn đăng ký tại cơ quan sáng chế.
Độc quyền này được cấp trong một thời gian nhất định, thường là 20 năm kể từ ngày nộp đơn với điều kiện chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế phải nộp phí duy trì hằng năm, và chỉ có hiệu lực ở nước mà bạn đăng ký bảo hộ.
Việc bảo hộ pháp lý chống lại hành vi xâm phạm độc quyền sáng chế bất kỳ không có được một cách tự động, mà dựa trên đề nghị của chủ sỏ hữu bằng độc quyền sáng chế. Do vậy, chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế cần phải giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khác nếu muốn thực thi độc quyền sáng chế của mình.