Đăng ký thương hiệu (nhãn hiệu) tại Hoa Kỳ – Thông tin cơ bản cần lưu ý

Năm 2019 Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam ý thức được sự quan trọng của đăng ký thương hiệu tại Hoa Kỳ. Vậy cần lưu ý những gì khi đăng ký nhãn hiệu tại Hoa Kỳ?

 

Đọc thêm: Hướng dẫn đăng ký thương hiệu (nhãn hiệu) tại Malaysia

Đọc thêm: Các tiêu chí đánh giá khả năng phân biệt nhãn hiệu

1. Hiệu lực của văn bằng bảo hộ nhãn hiệu

Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là văn bản do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia cấp nhằm ghi nhận thời gian, thông tin chủ sở hữu và quan trọng nhất xác nhận nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ. Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam được gọi là Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Do được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà nhãn hiệu trong văn bằng chỉ được bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đã đăng ký. Một nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam không có nghĩa nó được tự động bảo hộ tại các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, …. Chính hiệu lực không gian của văn bằng bảo hộ đã thúc đẩy ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đăng ký nhãn hiệu tại Hoa Kỳ.

dang ky thuong hieu tai Hoa Ky

2. Thông tin cơ bản cần lưu ý khi đăng ký thương hiệu tại Hoa Kỳ

Trước khi thực hiện đăng ký thương hiệu tại Hoa Kỳ, chủ đơn đăng ký cần hiểu rõ một số thông tin cơ bản dưới đây

2.1. Điều kiện để đăng ký thương hiệu tại Hoa Kỳ

Trước khi tiến hành đăng ký, thương hiệu (nhãn hiệu) của tổ chức, cá nhân cần đáp ứng các điều kiện sau:

– Thương hiệu (nhãn hiệu) đã được hoặc có dự định sử dụng tại Hoa Kỳ;

– Thương hiệu (nhãn hiệu) đã nộp đơn đăng ký hoặc được cấp văn bằng bảo hộ của nước là thành viên Công ước Paris hoặc thoả ước nhãn hiệu mà Hoa Kỳ công nhận.

Đạo luật Nhãn hiệu Hoa Kỳ (Trademark Act) định nghĩa tuật ngữ “sử dụng trong thương mại” là:

– Được hiển thị trên hàng hoá hoặc trên bao bì hàng hoá để bán hay vận chuyển thương mại (đối với hàng hoá);

– Được sử dụng hoặc hiển thị trong việc bán hoặc quảng cáo dịch vụ tại Hoa Kỳ hoặc nước ngoài (đối với dịch vụ).

2.2. Thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ thương hiệu tại Hoa Kỳ

Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (United States Patent and Trademark Office – USPTO) là cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Hoa Kỳ.

dang ky thuong hieu tai Hoa Ky

2.3. Cách đăng ký thương hiệu tại Hoa Kỳ

Hiện nay có hai cách đăng ký thương hiệu tại Hoa Kỳ

– Đăng ký trực tiếp với Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO). Hồ sơ có thể được đăng ký online hoặc gửi trực tiếp đến điểm tiếp nhận của USPTO. Tuy nhiên cách đăng ký này yêu cầu chủ đơn có hoạt động kinh tế tại Hoa Kỳ. Trường hợp doanh nghiệp chỉ xuất khẩu hàng hoá mà không hoạt động tại Hoa Kỳ thì cần thông qua luật sư Hoa Kỳ có giấy phép hành nghề để đăng ký.

– Đăng ký thông qua hệ Thống Madrid do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cung cấp. Do Việt Nam và Hoa Kỳ đều là thành viên của Nghị định thư Madrid nên đăng ký thương hiệu qua hệ thống này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí do sử dụng một mẫu đơn, ngôn ngữ và nộp một loại phí duy nhất. Việc tiếp nhận đơn đăng ký cũng do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đảm nhận.

2.4. Duy trì hiệu lực của thương hiệu (nhãn hiệu) đã được đăng ký tại Hoa Kỳ

Chủ sở hữu thương hiệu (nhãn hiệu) đã được USPTO cấp văn bằng bảo hộ có nghĩa vụ nộp Tuyên bố sử dụng nhãn hiệu (Declaration of Use) trước khi hết năm thứ 6 kể từ khi đăng ký nếu không thương hiệu sẽ bị huỷ bỏ hiệu lực. Ngoài ra sau 10 năm kể từ ngày nộp đơn, chủ sở hữu thương hiệu cần nộp lệ phí gia hạn và nộp đơn gia hạn với USPTO để thương hiệu (nhãn hiệu) đã đăng ký được tiếp tục bảo hộ. Việc gia hạn này có thể được thực hiện nhiều lần.