Đề nghị hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu được bảo hộ ở Việt Nam

Hiện nay vì một số lý do nào đó giả dụ quyền độc quyền nhãn hiệu đó được cấp sai do nhầm lẫn hoặc do sai lầm mang tính chủ quan cá nhân hoặc do Cục Sở hữu trí tuệ không biết hoặc không thể không biết là nhãn hiệu đó đáng lẽ phải thuộc về người khác thì luật pháp cho phép hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu đã đăng ký đó.

Cần lưu ý rằng luật Việt Nam phân định sự khác nhau giữa chấm dứt hiệu lực và hủy bỏ hiệu lực, theo đó chấm dứt hiệu lực là thủ tục chấm dứt một quyền độc quyền đang tồn tại vì lý do nó không được sử dụng hoặc do giải thể, phá sản trong khi hủy bỏ hiệu lực thì không chỉ là chấm hiệu lực quyền đang tồn tại mà còn hồi tố trở lại không thừa nhận nó có hiệu lực ngay từ thời điểm cấp.

Ai có tư cách nộp đơn đề nghị hủy bỏ hiệu lực, căn cứ pháp lý và tài liệu yêu cầu?

Tương tự như thủ tục phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu, bất kỳ bên thứ ba có quyền gửi đơn đề nghị hủy bỏ hiệu lực đối với nhãn hiệu đã đăng ký tới Cục Sở hữu trí tuệ miễn là hồ sơ đáp ứng các điều kiện và chứa các tài liệu sau:

a. Nhãn hiệu đã đăng ký bị yêu cầu hủy bỏ hiệu lực đã được đăng ký chưa quá 5 năm tính từ ngày nó được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;

b. Trường hợp nhãn hiệu đã đăng ký bị yêu cầu hủy bỏ hiệu lực đã được đăng ký quá 5 năm tính từ ngày nó được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì bắt buộc chỉ được sử dụng và chứng minh một căn cứ pháp lý duy nhất nêu ở điểm (c)(i) dưới đây;

c. Khẳng định một trong hai căn cứ pháp lý hoặc cả hai căn cứ pháp lý là (i) chủ nhãn hiệu được cấp bảo hộ không có tư cách nộp đơn (hành vi không trung thực) đăng ký nhãn hiệu ngay từ thời điểm nộp đơn, hoặc (ii) tại thời điểm cấp bảo hộ nhãn hiệu đã đăng ký đã không thỏa mãn Điều kiện 1 – tính phân biệt tự thân, hoặc Điều kiện 2 – xung đột với quyền sở hữu trí tuệ của người khác có trước.

d. Bằng chứng, tài liệu, hồ sơ liên quan kèm theo lập luận chứng minh khả năng áp dụng căn cứ pháp lý nêu trên;

e. Giấy ủy quyền cho tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp (như Bross & Partners chẳng hạn)

f. Lệ phí nhà nước 680.000VND đối với một giấy chứng nhận (mỗi giấy chứng nhận tiếp theo 510.000VND).

Thủ tục giải quyết đơn đề nghị hủy bỏ hiệu lực

Tương tự như thủ tục chấm dứt hiệu lực, kể từ khi nhận được đề nghị hủy bỏ hiệu lực, Cục Sở hữu trí tuệ, trong vòng 1 tháng, sẽ tống đạt văn bản (lần 1) gửi chủ sở hữu nhãn hiệu bị yêu cầu hủy bỏ hiệu lực thông báo có người thứ ba nộp hồ sơ đề nghị hủy bỏ hiệu lực và ấn định thời hạn trả lời 2 tháng (đối với nhãn hiệu đăng ký quốc gia) hoặc 3 tháng (đối với nhãn hiệu đăng ký quốc tế).

Tùy từng vụ việc, Cục Sở hữu trí tuệ có thể lặp lại quy trình trên thêm 1 lần nữa đối với cả bên đề nghị hủy bỏ hiệu lực và bên bị đề nghị hủy bỏ hiệu lực với thời hạn ấn định tương tự. Chỉ trong các trường hợp phức tạp, Cục Sở hữu trí tuệ có thể tổ chức việc trao đổi ý kiến trực tiếp giữa người thứ ba và chủ văn bằng bảo hộ liên quan.

Trong vòng 3 tháng kể từ thời điểm kết thúc thời hạn 2 tháng hoặc 3 tháng mà bên bị yêu cầu hủy bỏ hiệu lực không có ý kiến trả lời, hoặc trong thời hạn 6 tháng kể từ thời điểm kết thúc thời hạn 2 tháng hoặc 3 tháng mà bên bị yêu cầu hủy bỏ hiệu lực có ý kiến trả lời không đồng ý yêu cầu hủy bỏ hiệu lực thì Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định hủy bỏ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc ban hành Thông báo từ chối yêu cầu hủy bỏ hiệu lực toàn bộ hoặc một phần.

Như vậy, về mặt lý thuyết thì một vụ hủy bỏ hiệu lực sẽ mất khoảng 7-10 tháng hoặc có thể kéo dài đến một năm hoặc vài năm tùy thuộc vào việc chủ nhãn hiệu có trả lời phản đối hay không, có nộp bằng chứng sử dụng bác bỏ hoặc tùy thuộc vào mức độ bận rộn của bộ phận chuyên môn xử lý hồ sơ.

Trường hợp không đồng ý với Quyết đinh của Cục Sở hữu trí tuệ thì có thể khiếu nại lần 2 lên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc khởi kiện vụ án hành chính ra tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Nếu không đồng ý với Thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ thì có thể khiếu nại lần 1 lên Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ.

Xem thêm: