Hợp đồng thuê văn phòng có bắt buộc  phải công chứng không?

Một trong những vấn đề mà doanh nghiệp khi muốn thành lập đó là phải có địa chỉ văn phòng. Tuy nhiên, không phải chủ thể nào cũng có sẵn địa điểm đó để đăng ký. Một trong những giải pháp được nhiều chủ thể lựa chọn, đó là việc thuê văn phòng để kinh doanh, làm việc. Tuy nhiên, hợp đồng thuê văn phòng này có bắt buộc phải công chứng hay không? Tham khảo ngay bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật dân sự 2015 ;
  • Luật nhà ở 2014;
  • Các văn bản pháp lý khác.

Hợp đồng thuê văn phòng là gì?

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Luật kinh doanh bất động sản 2014 quy định về thuật ngữ nhà, công trình xây dựng có sẵn như sau:

“3. Nhà, công trình xây dựng có sẵn là nhà, công trình xây dựng đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào sử dụng.”

Như vậy, văn phòng là một loại hình của công trình xây dựng sẳn có. Vì vậy, bản chất của hợp đồng thuê văn phòng chính là hợp đồng thuê công trình xây dựng, là văn bản thỏa thuận các điều khoản, lợi ích và trách nhiệm của các bên.

Công chứng là gì? Ý nghĩa của việc công chứng hợp đồng

Công chứng là gì?

Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014 có quy định:

Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.”

Công chứng hợp đồng có ý nghĩa

Công chứng là việc xác thực tính pháp lý, đúng đắn và chính xác của các văn bản. Cũng theo quy định của pháp luật thì một số loại hợp đồng, giao dịch bắt buộc phải có công chứng. Trong trường hợp không có công chứng, thì văn bản đó sẽ được coi như vô hiệu và không có giá trị pháp lý.

Các giao dịch cần có công chứng thông thường liên quan tới bất động sản, tặng cho, thế chấp, góp vốn,…Không chỉ mang ý nghĩa quan trọng về mặt pháp lý. Công chứng còn giúp hạn chế những thiệt hại về kinh tế. Nói cách khác nó là sự xác thực đáng tin tưởng tránh được những tranh cháp không đáng có.

Hợp đồng thuê văn phòng có cần công chứng không?

Hợp đồng thuê văn phòng có ít nhất một bên là cá nhân

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 122 Luật nhà ở 2014:

“2. Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.”

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật kinh doanh bất động sản 2014:

“2. Hợp đồng kinh doanh bất động sản phải được lập thành văn bản. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng do các bên thỏa thuận, trừ hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà các bên là hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này thì phải công chứng hoặc chứng thực.”

Từ hai quy định trên, có thể kết luận rằng: Hợp đồng thuê văn phòng không bắt buộc phải công chứng mà vẫn có hiệu lực thi hành đối với các bên tham gia vào hợp đồng.

Hợp đồng thuê văn phòng với tổ chức có tư cách pháp nhân

Trường hợp thuê văn phòng của tổ chức có tư cách pháp nhân có chức năng cho thuê văn phòng thì Hợp đồng thuê văn phòng không cần phải công chứng, chứng thực. Bởi vì cả bên thuê, bên cho thuê đều có tư cách pháp nhân đầy đủ, đáp ứng điều kiện xuất hóa đơn theo yêu cầu và chịu sự điều chỉnh của pháp luật có liên quan trong hoạt động kinh doanh.

Nói tóm lại , việc công chứng hợp đồng thuê văn phòng hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của các bên tham gia giao kết hợp đồng. Tuy nhiên để tăng tính cam kết cũng như xác thực, nên công chứng cho hợp đồng có chủ thể là cá nhân. Đây là cách để nâng cao giá trị pháp lý và ràng buộc đối với bên cho thuê cũng như bên đi thuê.

Ưu nhược điểm của việc công chứng hợp đồng thuê văn phòng

Ưu điểm của việc tiến hành thủ tục công chứng hợp đồng thuê văn phòng

  • Khẳng định tính pháp lý của các tình tiết, sự kiện có trong hợp đồng thuê văn phòng. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng được xem là chứng cứ của vụ án ( trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố vô hiệu).
  • Giảm thiểu nguy cơ vô hiệu của hợp đồng. Công chứng viên sẽ rà soát nhằm loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật trong hợp đồng, giảm bớt nguy cơ dẫn đến hợp đồng vô hiệu.
  • Có sự kiểm tra, đánh giá các thông tin của công chứng viên do bên thuê và bên cho thuê cung cấp, từ đó giúp các bên tin tưởng nhau hơn.

Nhược điểm của việc tiến hành thủ tục công chứng hợp đồng thuê văn phòng

  • Các bên phải chi trả một số tiền nhất định cho chi phí công chứng. Trong nhiều trường hợp, chi phí công chứng là không hề nhỏ.
  • Yêu cầu nghiêm ngặt về mặt pháp lý, đòi hỏi nhiều giấy tờ như Giấy chứng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, Hộ khẩu, Giấy đăng ký kết hôn, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân,.. Điều này có thể khiến các bên mất nhiều thời gian trong việc công chứng.

> Đọc thêm: Mẫu hợp đồng thuê nhà mới nhất 2020

Trên đây là toàn bộ những giải thích và đánh giá của LNP Law về câu hỏi “ Hợp đồng thuê văn phòng có cần công chứng hay không?”. Hi vọng nhưng giải đáp của chúng tôi đem lại sự hài lòng cho Quý khách hàng.