Tính đến tháng 8 năm 2020, tổng vốn đăng ký đầu tư được cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 20 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đó là minh chứng cho việc các nhà đầu tư đang chọn Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn. Một trong những nguyên nhân khiến các nhà ĐTNN “mạnh dạn” rót vốn vào thị trường Việt Nam chính là những chính sách ưu đãi đầu tư, quy định về tiếp cận thị trường, các nhóm ngành, nghề với điều kiện đầu tư linh hoạt dần được hoàn thiện…
Vừa qua, Luật Đầu tư 2020 mới được thông qua thay thế cho Luật Đầu tư 2014 được kỳ vọng sẽ đem đến những cú hích lớn nhằm đón luồng vốn đầu tư lớn chuyển vào Việt Nam trong thời gian tới. Chúng tôi thử điểm qua những vấn đề mới của Luật đầu tư 2020 đồng thời đánh giá những lợi ích mà nhà đầu tư được hưởng theo quy định mới.
Mục lục
VỀ NHỮNG ĐIỂM MỚI NỔI BẬT CỦA LUẬT ĐẦU TƯ 2020
Tiếp cận thị trường, mở dự án đầu tư:
Nếu Luật Đầu tư 2014 còn chưa làm sáng tỏ vấn đề đánh giá điều kiện đầu tư và điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài thì Luật Đầu tư 2020 đã khỏa lấp được những lỗ hổng đó. Luật Đầu tư 2020 đã định nghĩa vụ thể về “Điều kiện đầu tư kinh doanh” tại Khoản 9, Điều 3 và “Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài” tại Khoản 10 Điều này.
Theo đó, Điều kiện đầu tư kinh doanh là điều kiện cá nhân, tổ chức phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng để đầu tư trong các ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật Đầu tư 2020. Nhìn chung, các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh và tiếp cận thị trường sẽ liên quan đến các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và/hoặc những ngành, nghề có điều kiện về tiếp cận thị trường.
Như vậy, theo Luật Đầu tư 2020, cụ thể tại Điều 7, điều kiện đầu tư kinh doanh phải được quy định phù hợp với lý do quy định tại khoản 1 Điều này và phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư. Luật Đầu tư 2020 tổng hợp được những điểm tích cực của Luật Đầu tư 2014 (Điều 7) và Nghị định 118/2015/NĐ-CP (Điều 9) hướng dẫn Luật Đầu tư về điều kiện đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, tại Điều 9 của Luật Đầu tư 2020, các điều kiện tiếp cận thị trường được làm rõ hơn với các tiêu chí cụ thể, giúp nhà đầu tư tự rà soát được tính phù hợp của mình đối với thị trường đầu tư và ngành, nghề đầu tư.
Chú trọng vấn đề an ninh và quốc phòng:
Theo các quy định tại Luật Đầu tư 2020, một điểm đáng lưu ý và đang còn gây bối rối cho các nhà đầu tư và các cơ quan chức năng khi thẩm duyệt dự án đầu tư có điều kiện cũng như xử lý các sai phạm liên quan đến hoạt động đầu tư chính là khái niệm và tiêu chí cụ thể của yếu tố “quốc phòng, an ninh quốc gia”.
Như thế nào là ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia? Dựa vào tiêu chí nào để đánh giá việc có hay không có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia? Làm thế nào để nhà đầu tư nhận thức được rõ vai trò của dự án trong việc ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia Việt Nam? Đây là một vấn đề đang còn bỏ ngỏ từ Luật Đầu tư 2014 cho đến nay, dù Luật đầu tư 2020 được ban hành nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể và quy định chi tiết.
Theo quy định tại khoản 3, Điều 5 Luật đầu tư 2020 thì: “Nhà đầu tư bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia.”
Theo quy định tại khoản 2, Điều 6 về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh: “Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.”
Theo quy định tại khoản 1, Điều 7 về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện: “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”
Theo quy định tại khoản 2, Điều 10 về Bảo đảm quyền sở hữu tài sản: “Trường hợp Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai thì nhà đầu tư được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Theo quy định tại khoản 3, Điều 13 về Bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật: “Quy định tại khoản 2 Điều này không áp dụng trong trường hợp thay đổi quy định của văn bản pháp luật vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ môi trường.”
Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 24 thì “Việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định, điều kiện sau đây:… Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật này;”
Theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 26 thì “Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên, cổ đông nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: … Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.”
Theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 29 thì “Đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong các trường hợp sau đây: … Nhà đầu tư có quyền sử dụng đất, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật và đất đai;”
Theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 32 thì “Trừ các dự án đầu tư quy định tại Điều 30 và Điều 31 của Luật này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây: … Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.”
Theo quy định tại điểm e, khoản 6, Điều 34 thì “Nội dung thẩm tra đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm:… Đánh giá hiệu quả kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của dự án đầu tư;”
Theo quy định tại khoản 3, Điều 47 về Ngừng hoạt động của dự án đầu tư thì “Thủ tướng Chính phủ quyết định ngừng, ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp việc thực hiện dự án đầu tư gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.”
Có thể thấy, các quy định về an ninh, quốc phòng trong Luật Đầu tư 2020 vẫn còn khá chung chung và mang tính nguyên tắc, mặc dù vấn đề này đã được quan tâm sao sát hơn so với Luật Đầu tư 2014, xuất phát từ thực trạng của các dự án đầu tư “núp bóng”, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội và chủ quyền Việt Nam tại một số vùng, miền trọng điểm. Chắc chắn trong tương lai, các quy định về quốc phòng, an ninh phải được cụ thể hóa và hướng dẫn chi tiết, làm cơ sở để các cơ quan chức năng đánh giá, thẩm duyệt dự án, xử lý sai phạm trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Ngành nghề cấm đầu tư, hạn chế đầu tư:
Luật Đầu tư 2020 bổ sung, sửa đổi một số quy định về ngành nghề cấm đầu tư, hạn chế đầu tư của Luật Đầu tư 2014. Theo Điều 6 của Luật Đầu tư 2020, kinh doanh dịch vụ đòi nợ trở thành ngành, nghề cấm đầu tư, thay vì là ngành, nghề đầu tư có điều kiện như quy định tại Phụ lục 04 của Luật Đầu tư 2014.
Một thực tế cho thấy, ngay cả khi ngân hàng là “chủ nợ”, họ cũng rất khó khăn trong việc thu hồi nợ, đặc biệt là trong quan hệ vay tín chấp. Bên cạnh đó, việc vay tiền từ ngân hàng đòi hỏi bên đi vay phải thực hiện một quy trình khá khắt khe, chứng minh các điều kiện để đảm bảo việc thanh toán số nợ, và phải chờ đợi ngân hàng giải ngân. Vì vậy, không ít người đi vay, với nhu cầu khá cấp bách và không có đủ điều kiện vay ngân hàng, sẽ tìm đến những người cho vay cá nhân, hoạt động tự do với lãi suất cao ngất ngưỡng. Lãi cộng vốn, lãi mẹ sinh lãi con, cả người cho vay lẫn người vay đều lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan khi số tiền ngày càng lớn và khó đảm bảo khả năng trả nợ.
Dịch vụ đòi nợ thuê ra đời nhằm mục đích bảo vệ người cho vay, và đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ của người đi vay. Hiện nay, các dịch vụ đòi nợ thuê đang dần “biến tưởng”, khi vấn đề đạo đức kinh doanh dần suy thoái và bị xem thường. Nhiều vụ việc thương tâm đã xảy ra khi người đi vay bị dịch vụ đòi nợ thuê siết nợ bằng những hình thức như đe dọa, uy hiếp, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm trên mạng xã hội, quấy phá các cuộc sống thường ngày của họ, thậm chí là làm phiền những người xung quanh họ, khiến họ lâm vào tình cảnh quẫn bách và chọn cách tiêu cực nhất để giải quyết vấn đề. Hành vi của dịch vụ đòi nợ cũng khiến xã hội có cái nhìn phản cảm hơn đối với các tổ chức tín dụng và những người cho vay tiền.
Có lẽ các nhà làm luật đã nhận thức sâu sắc tình trạng thực tế hiện nay, và mong muốn triệt để loại bỏ các dịch vụ đòi nợ như trên để bảo vệ quyền và lợi ích của người vay và người cho vay. Tuy nhiên, khi đề ra “lệnh cấm” đối với dịch vụ đòi nợ như Điều 6 của Luật Đầu tư 2020, một loạt các vấn đề sẽ nảy sinh trong quá trình áp dụng:
– Cơ chế xử lý đối với các tổ chức đang hoạt động dịch vụ đòi nợ chưa được quy định rõ.
– Việc chấm dứt kinh doanh đối với các tổ chức đang hoạt động dịch vụ đòi nợ chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, cơ quan ra quyết định chấm dứt.
– Các tổ chức hoạt động dịch vụ đòi nợ nhưng không có hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật, không đẩy người vay nợ vào cảnh khốn cùng vẫn phải “ngậm ngùi” chấm dứt hoạt động vì “lệnh cấm”.
– Các cơ chế thu hồi nợ hiện nay như thông qua con đường tố tụng Tòa án, Trọng tài chưa thực sự đủ mạnh mẽ và quyết liệt để người cho vay an tâm và tin tưởng, chưa kể thời gian xử lý hồ sơ vụ án kéo dài.
Như vậy, liệu việc xóa sổ ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ có thực sự đem lại những hệ quả tích cực cho xã hội hay không? Câu trả lời còn tùy thuộc vào việc các nhà lập pháp sẽ cải thiện cơ chế xử lý và thu hồi nợ như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho các bên trong quan hệ cho vay tài sản, và việc giải quyết hệ quả của “lệnh cấm” đối với các tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực đòi nợ thuê.
Cũng theo Luật Đầu tư mới, việc sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc điều kiện đầu tư kinh doanh phải phù hợp với các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh và tiếp cận thị trường. Như vậy, Luật Đầu tư 2020 đã quy định rõ hơn tiêu chí để phân loại và xác định những ngành, nghề đầu tư có điều kiện và hạn chế đầu tư.
Tuy nhiên, việc này cũng gây nên một hạn chế lớn đối với các nhà đầu tư đang thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam, được cấp giấy chứng nhận đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo luật cũ, hoạt động trong các lĩnh vực có điều kiện hoặc hạn chế đầu tư theo Luật Đầu tư 2020. Như vậy, hoạt động của các nhà đầu tư này có thể bị gián đoạn hoặc buộc phải thay đổi ngành, nghề kinh doanh cho phù hợp với quy định mới.
Ưu đãi về đầu tư:
Bổ sung hình thức ưu đãi đầu tư:
Luật Đầu tư 2020 quy định thêm hai hình thức ưu đãi đầu tư so với Luật Đầu tư 2014, cụ thể, bổ sung thêm hình thức ưu đãi khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế. Quy định này rất phù hợp và đem lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư có vốn đầu tư cao và hoạt động kinh doanh với quy mô lớn.
Quy định chi tiết về đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư:
Luật Đầu tư 2020 có những thay đổi, bổ sung để chi tiết hóa các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư như sau:
Quy mô vốn: Bổ sung thêm các tiêu chí đối với dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư như sau: “Có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động;”
Dự án được hưởng ưu đãi: Bổ sung thêm các dự án thuộc đối tượng được ưu đãi đầu tư như sau:
– Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội;
– Dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật;
– Dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học và công nghệ; doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
– Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển.
– Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Có thể thấy rằng, thông qua các quy định về quy mô vốn và dự án đầu tư được ưu đãi đầu tư, Luật Đầu tư 2020 đã có sự chú trọng và tập trung hơn đối với những ngành nghề công nghệ cao, ưu tiên bảo vệ môi trường, nâng tầm giá trị của nghiên cứu và sáng tạo, đồng thời khuyến khích các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Quy định chi tiết nguyên tắc và điều kiện được ưu đãi:
Mặc dù mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư và chi tiết hóa những quy định về quy mô dự án, nhưng Luật Đầu tư 2020 đã siết chặt điều kiện được hưởng ưu đãi đầu tư theo hướng ưu đãi có chọn lọc, đúng đối tượng và các chế độ ưu đãi phải hợp lý, đem lại lợi ích tối đa cho nhà đầu tư nhưng cũng sẽ xem xét đến từng trường hợp cụ thể để có mức ưu đãi xứng đáng, phù hợp. Theo quy định tại Khoản 6 và Khoản 7, Điều 15 của Luật Đầu tư 2020:
– Ưu đãi đầu tư được áp dụng có thời hạn và trên cơ sở kết quả thực hiện dự án của nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật trong thời gian hưởng ưu đãi đầu tư.
– Dự án đầu tư đáp ứng điều kiện hưởng các mức ưu đãi đầu tư khác nhau, bao gồm cả ưu đãi đầu tư đặc biệt thì được áp dụng mức ưu đãi đầu tư cao nhất.
Ưu đãi đầu tư đặc biệt:
Ưu đãi đầu tư đặc biệt được quy định cụ thể tại Điều 20 và Khoản 4, Điều 75 của Luật Đầu tư 2020. Đây là quy định mới mẻ, nhằm mục đích tăng cường an sinh xã hội và thúc đẩy những dự án đầu tư có quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế – xã hội Việt Nam, chú trọng những trường hợp cần khuyến khích phát triển đối với dự án đặc biệt quan trọng hoặc đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Cụ thể các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt bao gồm:
– Dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
– Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, Luật Đầu tư 2020 cũng đặt ra phương pháp hỗ trợ đầu tư mới dựa trên mức ưu đãi đặc biệt, thời hạn hưởng ưu đãi đặc biệt theo tình hình thực tế của các dự án và hiệu quả của hoạt động đầu tư. Cụ thể, đối với các dự án đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt như trên, đối với thuế suất: áp dụng thuế suất ưu đãi giảm không quá 50% so với thuế suất ưu đãi, thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi không quá 1,5 lần so với thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi và được kéo dài thêm không quá 15 năm và không vượt quá thời hạn của dự án đầu tư; đối với thời gian miễn, giảm thuế: áp dụng miễn thuế tối đa không quá 06 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 13 năm tiếp theo.
Việc chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư:
“Chấp thuận chủ trương đầu tư” không phải là một khái niệm mới, vì đã từng được quy định tại Điều 59 của Nghị định 118/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, nhưng đến Luật Đầu tư 2020 thì khái niệm này mới bắt đầu được sử dụng thay thế cho khái niệm “quyết định chủ trương đầu tư” ở Luật Đầu tư 2014. Theo Khoản 1, Điều 3 của Luật Đầu tư 2020, “Chấp thuận chủ trương đầu tư là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án; nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư.” Như vậy, theo Luật Đầu tư 2020, việc chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ được hướng dẫn và quy định cụ thể, thay thế cho việc xin “quyết định chủ trương đầu tư”, dựa trên các tiêu chí phân quyền chấp thuận chủ trương của Quốc hội, Thủ tướng chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Các tiêu chí và điều kiện để dự án đầu tư được xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư 2020 cũng có nhiều tính mới, chú trọng mức độ ảnh hưởng của dự án đối với kinh tế – xã hội, ngành, nghề hoạt động đầu tư, kinh doanh của dự án, và quy mô dự án về vốn đầu tư, diện tích thực hiện đầu tư.
Bên cạnh đó, quy định “Lựa chọn nhà đầu tư” lần đầu được đưa vào lĩnh vực đầu tư tư, thay vì chỉ thuộc lĩnh vực đầu tư công và đấu thầu như trước đây, được cụ thể hóa với các điều kiện, hình thức tiến hành lựa chọn để đảm bảo việc thực hiện các dự án được trao đúng đối tượng có đủ khả năng và năng lực.
Theo khoản 1, Điều 29, Luật Đầu tư 2020, lựa chọn nhà đầu tư được tiến hành thông qua một trong các hình thức sau đây:
“a) Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
b) Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
c) Chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.
…
Trường hợp tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất mà chỉ có một người đăng ký tham gia hoặc đấu giá không thành theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ có một nhà đầu tư đăng ký theo quy định của pháp luật về đấu thầu, cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư khi nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong các trường hợp sau đây:
a) Nhà đầu tư có quyền sử dụng đất, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật và đất đai;
b) Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
c) Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao;
d) Trường hợp khác không thuộc diện đấu giá, đấu thầu theo quy định của pháp luật.”
Bên cạnh đó, Khoản 2, Điều 29 cũng quy định rõ, chỉ những dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương mới áp dụng lựa chọn nhà đầu tư, và thực hiện lựa chọn nhà đầu tư sau khi dự án đã được chấp thuận chủ trương.
Những quy định mới về chấp thuận chủ trương trong Luật Đầu tư 2020 sẽ siết chặt việc quản lý các dự án đầu tư có ảnh hưởng đển an sinh xã hội, kinh tế địa phương, những dự án có quy mô và số vốn lớn, được thực hiện trong các lĩnh vực có điều kiện về đầu tư kinh doanh hoặc điều kiện tiếp cận thị trường. Trong khi đó, việc áp dụng quy định lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án đầu tư tư sẽ mở rộng cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đối với những nhà đầu tư có đủ khả năng và năng lực thực hiện dự án đầu tư.
Điều chỉnh dự án đầu tư:
Điều kiện điều chỉnh dự án đầu tư:
Việc điều chỉnh dự án đầu tư theo Luật Đầu tư 2020 đã mở rộng thêm các quyền sáp nhập các dự án hoặc chia, tách một dự án thành nhiều dự án, sử dụng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất thuộc dự án đầu tư để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh hoặc các nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật, bên cạnh quyền điều chỉnh mục tiêu, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư. Bên cạnh đó, nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp việc điều chỉnh dự án đầu tư làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
So với Luật Đầu tư 2014, Luật Đầu tư 2020 đã quy định thêm các quy định, điều kiện mà nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng, cụ thể là tại Khoản 2, Điều 24 của Luật Đầu tư 2020:
“a) Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật này;
b) Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật này;
c) Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.”
Tại quy định này, vấn đề quốc phòng, an ninh, biên giới quốc gia một lần nữa được đề cập và trở thành điều kiện quan trọng buộc nhà đầu tư muốn góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng. Vì vậy, chắc chắn những quy định này cần phải được hướng dẫn cụ thể bởi các văn bản dưới luật để đảm bảo tính tuân thủ có hệ thống, và việc áp dụng pháp luật cũng sẽ nhất quán từ trung ương đến địa phương, giữa các ban, ngành và các bộ, giữa các tỉnh, thành khác nhau trên cả nước.
Xác định lại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:
Luật Đầu tư 2014 xác định tỷ lệ vốn nước ngoài của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là 51%, nhưng đến năm 2020 thì tỷ lệ này đã giảm xuống còn 50% theo Luật Đầu tư 2020 (Khoản 1, Điều 23 và điểm b, Khoản 2, Điều 26 của Luật Đầu tư 2020). Việc giảm 1% so với luật cũ là một con số nhỏ, nhưng ảnh hưởng mà quy định này mang lại cho các nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo luật cũ là rất lớn.
Theo đó, Luật Đầu tư 2020 xác định:
“Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.”
(Khoản 1, Điều 23 của Luật Đầu tư 2020)
“Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên, cổ đông nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
…
b) Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế;”
(Điểm b, Khoản 2, Điều 26 của Luật Đầu tư 2020)
Có thể thấy rằng, quy định này sẽ ảnh hưởng đến việc xác định tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với các dự án đầu tư và tổ chức kinh tế đã tồn tại trước năm 2021, kéo theo sự thay đổi của những thủ tục hành chính, điều kiện hoạt động, ưu đãi và hạn chế đầu tư… của các dự án này. Ví dụ, tổ chức kinh tế có thể phải thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư do ảnh hưởng của điều kiện về an ninh, quốc phòng; hoặc có thể phải điều chỉnh ngành, nghề kinh doanh để phù hợp với các biểu cam kết WTO và các ngành, nghề đầu tư có điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam; ngoài ra, còn phải thực hiện kiểm toán bắt buộc đối với báo cáo tài chính cuối năm…
Chấm dứt dự án đầu tư:
Việc chấm dứt dự án đầu tư được quy định chi tiết và chặt chẽ hơn tại Luật Đầu tư 2020, cụ thể, Điều 48, Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung các trường hợp chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư sau đây:
– Dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai;
– Nhà đầu tư không ký quỹ hoặc không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;
– Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo theo quy định của pháp luật về dân sự;
– Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài.
Có thể nhận thấy Luật Đầu tư 2020 đã có những quy định bám sát với thực trạng đang tồn tại trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam và “lấp” được những lỗ hổng, những vấn đề còn bỏ ngỏ của Luật Đầu tư 2014. Tuy nhiên, quy định mới của Luật Đầu tư 2020 về các trường hợp chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư cần phải được quy định chặt chẽ và chi tiết hơn để nhà đầu tư nhận thức được rõ quyền và nghĩa vụ của mình, nhất là đối với những nhà đầu tư nước ngoài không am hiểu pháp luật Việt Nam.
Theo người viết, hàng loạt vấn đề có thể được đặt ra xung quanh quy định tại Điều 48 của Luật Đầu tư 2020 như sau: Thế nào là giao dịch dân sự giả tạo và vi phạm quốc phòng, an ninh? Những tiêu chí nào để đánh giá sai phạm của các nhà đầu tư gây tác động tiêu cực về quốc phòng, an ninh? Có xét đến yếu tố lỗi của các nhà đầu tư trong các giao dịch dân sự bị xem là giả tạo hay không? Trường hợp nào chấm dứt dự án đầu tư, trường hợp nào chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư? Thẩm quyền đánh giá các tiêu chí xác định vi phạm sẽ trao cho cơ quan nào, theo thủ tục nào? Việc khiếu nại và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có sự thiếu chính xác, thiếu khách quan trong quá trình xem xét chấm dứt dự án hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư sẽ được thực hiện như thế nào?
Vấn đề môi trường trong quá trình thực hiện dự án đầu tư:
Theo Khoản 3, Điều 75 của Luật Đầu tư 2020, việc báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thuộc đối tượng phải báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Điều 18 của Luật Bảo vệ môi trường 2014 (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 39/2019/QH14) đã được thay thế bởi khái niệm “đánh giá sơ bộ tác động môi trường”. Cụ thể, đánh giá sơ bộ tác động môi trường là một nội dung của báo cáo đề xuất dự án đầu tư và là cơ sở để chấp thuận chủ trương đầu tư; nhà đầu tư chỉ được thực hiện dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.
Như vậy, thay vì phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện dự án đầu tư thì các dự án thuộc Điều 18 của Luật Bảo vệ môi trường 2014 như dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; dự án có sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử – văn hóa, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường sẽ thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường.
Theo ý kiến của người viết, đây sẽ là một quy định mang tính nới lỏng cho các nhà đầu tư và đem lại sự công bằng trong các lĩnh vực đầu tư công và đầu tư tư. Bởi lẽ hiện nay, theo quy định tại Điều 99 của Luật Đầu tư công 2019, việc quyết định chủ trương đầu tư sẽ chỉ căn cứ vào đánh giá sơ bộ tác động môi trường mà không phải là báo cáo đánh giá tác động môi trường như một số dự án đầu tư tư.
MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ
Hiện tại, vì sắp có hiệu lực pháp luật nên chắc chắn trong tương lai, Luật Đầu tư 2020 sẽ được hướng dẫn bởi các văn bản dưới luật. Trong đó, theo ý kiến của tác giả bài viết, có những vấn đề nổi bật cần phải có sự hướng dẫn cụ thể như sau:
– Cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí đánh giá điều kiện tiếp cận thị trường, điều kiện đầu tư, kinh doanh và các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đặc biệt là tiêu chí về quốc phòng, an ninh quốc gia.
– Cần có văn bản hướng dẫn cụ thể đối trường hợp nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo Luật Đầu tư 2005 hoặc Luật Đầu tư 2014, hoạt động trong các lĩnh vực có điều kiện hoặc hạn chế đầu tư theo Luật Đầu tư 2020 để hạn chế tối đa việc gián đoạn thực hiện dự án đầu tư, dẫn đến các hệ lụy khác trong quá trình đầu tư, kinh doanh.
– Cần quy định rõ hơn về trình tự, thủ tục đăng ký ưu đãi đầu tư, bám sát quy định tại Điều 20 và Khoản 4, Điều 75 của Luật Đầu tư 2020.
– Cần có hướng dẫn cụ thể đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 50% đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước năm 2021.
– Việc áp dụng các quy định mới của Luật Đầu tư 2020 phải có tính thống nhất giữa Thủ tướng chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan thẩm duyệt dự án đầu tư để đảm bảo việc xem xét thẩm định dự án đầu tư diễn ra theo một trình tự nhất định, trành trường hợp đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, gây lãng phí thời gian và tài chính của nhà đầu tư, làm trì hoãn kế hoạch đầu tư, kinh doanh và cơ hội cạnh tranh trên thị trường.
– Cần quy định cụ thể và chi tiết để hoàn thiện quy định tại Điều 48, như đã phân tích tại Mục 6, Phần 1 của bài viết.
Luật Đầu tư 2020 đã “cởi trói” và thúc đẩy những ý tưởng đầu tư táo bạo với quy mô lớn, đem lại lợi nhuận cho thị trường Việt Nam, nhưng đồng thời cũng đề ra một khung pháp lý vững chắc để phòng ngừa những trường hợp lợi dụng hoạt động đầu tư để thu lợi bất chính, ngăn chặn lợi ích nhóm và việc nhập cảnh, cư trú phi pháp, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, vẫn cần có những văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể và chi tiết hơn đối với những vấn đề mà Luật Đầu tư 2020 còn chưa quy định rõ.