Sở Hữu Trí Tuệ

nhan hieu
| Attorney

Quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ về sử dụng nhãn hiệu

Việc sử dụng nhãn hiệu cần tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo quyền lợi và tránh các tranh chấp pháp lý không đáng có. Vui lòng tìm hiểu kỹ các quy định liên quan dưới đây hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia pháp lý nếu cần.


Nguy cơ mất quyền sở hữu nhãn hiệu do không sử dụng và những bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật

Theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, nhãn hiệu đã đăng ký nếu không được chủ sở hữu đưa vào sử dụng trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp văn bằng bảo hộ, có thể bị yêu cầu chấm dứt hiệu lực bởi bất kỳ bên thứ ba nào. Quy định này phản ánh nguyên tắc “sử dụng hay từ bỏ”, tạo nên cơ chế ngăn ngừa hiện tượng độc chiếm nhãn hiệu trên giấy, góp phần đảm bảo rằng hệ thống đăng bạ nhãn hiệu phản ánh đúng thực tiễn thương mại. Tuy nhiên, trong bối cảnh pháp lý hiện hành của Việt Nam, việc áp dụng chế định này gặp không ít trở ngại do thiếu các hướng dẫn cụ thể và đồng bộ về khái niệm “sử dụng nhãn hiệu trong thực tế”.

Cơ sở pháp lý của việc chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu vì lý do không sử dụng được thể hiện rõ trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và mới nhất năm 2022. Mặc dù quy định đã trao cho bên thứ ba quyền yêu cầu chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu, nhưng quyền này lại phụ thuộc lớn vào khả năng chứng minh rằng chủ nhãn hiệu không thực sự sử dụng nhãn hiệu đó trong thời gian luật định. Trong khi đó, định nghĩa về hành vi sử dụng lại chưa được chuẩn hóa theo hướng phản ánh rõ tính chất “thương mại thực sự” của việc sử dụng nhãn hiệu.

nhan hieu

Thế nào là “sử dụng” nhãn hiệu?

Khoản 5 Điều 124 Luật Sở hữu trí tuệ đưa ra các hành vi được coi là sử dụng nhãn hiệu, bao gồm: việc gắn nhãn hiệu lên sản phẩm, bao bì, phương tiện dịch vụ, tài liệu giao dịch; việc quảng bá, chào bán, lưu thông sản phẩm mang nhãn hiệu; và việc nhập khẩu hàng hóa có gắn nhãn hiệu được bảo hộ. Nhìn chung, các hành vi này bao quát cả khâu sản xuất, phân phối lẫn tiếp thị sản phẩm.

Tuy nhiên, tính “bao quát” này cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự mơ hồ trong áp dụng. Cụ thể, nhiều nhãn hiệu được duy trì chỉ bằng các hoạt động tối thiểu, thậm chí có tính hình thức như trưng bày tại hội chợ một lần, đăng quảng cáo đơn lẻ, hay lập website có gắn nhãn hiệu mà không hề có giao dịch thương mại phát sinh từ đó. Những hình thức sử dụng này khó có thể xem là “thực tế” hay “genuine” trong thương mại, nhưng lại đủ để làm cơ sở từ chối yêu cầu chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu.

Khoảng trống pháp lý và hệ quả

Điều đáng lo ngại là pháp luật hiện hành chưa có quy định làm rõ tiêu chí phân biệt giữa “sử dụng thực sự” (genuine use) và “sử dụng mang tính danh nghĩa” (token use). Do đó, trong nhiều trường hợp, dù nhãn hiệu không được sử dụng trong thực tiễn thương mại, chỉ cần có một số hình thức sử dụng tối thiểu, chủ nhãn hiệu vẫn có thể duy trì hiệu lực nhãn hiệu và ngăn cản các bên khác đăng ký những nhãn hiệu tương tự. Điều này không chỉ gây lãng phí tài nguyên sở hữu trí tuệ mà còn cản trở các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng thực sự nhãn hiệu để phát triển sản phẩm.

Thực tiễn cho thấy, có không ít trường hợp các doanh nghiệp khi đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ bị từ chối bảo hộ vì bị coi là tương tự với một nhãn hiệu đã đăng ký trước đó nhưng không hề được sử dụng trong thị trường Việt Nam. Khi tiến hành thủ tục yêu cầu chấm dứt hiệu lực, họ vấp phải phản ứng từ chủ nhãn hiệu đối chứng với các bằng chứng sử dụng mang tính đối phó như hóa đơn nhỏ lẻ, bao bì mẫu in sẵn hoặc một trang web không hoạt động thương mại thực sự. Trong bối cảnh thiếu chuẩn mực xác định thế nào là “sử dụng thực tế”, Cục Sở hữu trí tuệ khó có thể ra quyết định chấm dứt hiệu lực, dẫn đến tình trạng thương lượng bất đắc dĩ, thậm chí bị ép buộc phải trả phí để xin Thư chấp thuận từ đối phương.

Sử dụng nhãn hiệu trên môi trường trực tuyến – được hay không?

Một vấn đề khác cũng đang gây tranh cãi là việc sử dụng nhãn hiệu trên các nền tảng kỹ thuật số, đặc biệt là website. Theo Thông tư 11/2015/TT-BKHCN, website có thể được xem là phương tiện kinh doanh nếu được sử dụng trong hoạt động thương mại. Điều đó có nghĩa rằng, việc giới thiệu, chào bán sản phẩm trên website có thể được coi là hành vi sử dụng nhãn hiệu. Tuy nhiên, trong thực tế, lại phát sinh một loạt câu hỏi pháp lý chưa có lời giải rõ ràng: Việc sử dụng trên website có tên miền quốc tế, viết hoàn toàn bằng tiếng Anh, có được xem là sử dụng nhãn hiệu trong lãnh thổ Việt Nam không? Liệu một website không có giao dịch trực tiếp mà chỉ giới thiệu sản phẩm có đủ giá trị chứng minh?

Đây chính là điểm yếu pháp lý mà nhiều chủ nhãn hiệu đang tận dụng: xây dựng các trang web “ảo”, không có doanh thu thực tế, nhưng vẫn tạo cảm giác đang hoạt động. Khi đối mặt với nguy cơ bị yêu cầu chấm dứt hiệu lực, họ viện dẫn các trang này như là bằng chứng “sử dụng”, trong khi bản chất chỉ là công cụ để duy trì quyền sở hữu một cách hình thức.

Như vậy dưới góc nhìn của tác giả:

Quy định về chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu do không sử dụng là một cơ chế cần thiết nhằm duy trì sự năng động và công bằng của hệ thống bảo hộ nhãn hiệu. Tuy nhiên, sự thiếu vắng các hướng dẫn chi tiết về “sử dụng thực sự” đang làm xói mòn hiệu lực thực tiễn của chế định này. Trong thời gian tới, để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể kinh doanh chân chính, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam cần được sửa đổi theo hướng quy định rõ ràng về ngưỡng sử dụng tối thiểu, loại trừ hành vi sử dụng mang tính giả tạo, đồng thời hướng dẫn cụ thể về điều kiện công nhận việc sử dụng nhãn hiệu trên nền tảng kỹ thuật số như website.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Bài viết liên quan

Chat zalo
Chat Facebook

LK01-15 Roman Plaza, To Huu, Nam Tu Liem, Hanoi

attorney@ladefense.vn

0968896603