Tạm hoãn hợp đồng với phụ nữ mang thai

Tạm hoãn hợp đồng lao động là việc người lao động và người sử dụng lao động tạm ngừng thực hiện các quyền, nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng. Lao động nữ mang thai có quyền tạm hoãn hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.

Đọc thêm: Tư vấn chấm dứt hợp đồng lao động một cách hợp pháp

Đọc thêm: Chế độ được hưởng khi tham gia bảo hiểm của người lao động

1. Các trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động

Điều 32 Bộ luật Lao động 2012 quy định tạm hoãn hợp đồng lao động được thực hiện trong các trường hợp sau:

– Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự;

– Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự;

– Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biên pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;

– Lao động nữ mang thai theo quy định của pháp luật;

– Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận.

Như vậy lao động nữ có quyền tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Tuy nhiên do ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động mà việc tạm hoãn hợp đồng lao động cần tuân theo các quy định pháp luật.

tam hoan hop dong

2. Điều kiện tạm hoãn hợp đồng lao động với phụ nữ mang thai

Điều 156 Bộ luật Lao động 2012 quy định lao động nữ mang thai được quyền tạm hoãn hợp đồng lao động khi đảm bảo các điều kiện sau:

– Việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi;

– Có xác nhận bằng văn bản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

– Lao động nữ báo trước cho người sử dụng lao động trong một khoảng thời gian nhất định kèm theo văn bản xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh. Hiện nay pháp luật không quy định cụ thể thời gian báo trước là bao lâu.

Thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động do người lao động thoả thuận với người sử dụng lao động. Thời hạn này phải tối thiểu bằng thời gian do cơ sở khám, chữa bệnh chỉ định. Trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh không có chỉ định thì hai bên tự thoả thuận với nhau về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.   

Trường hợp người sử dụng lao động không chấp nhận tãm hoãn hợp đồng lao động thì lao động nữ mang thai có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại Nghị định 85/2015/NĐ-CP.

3. Vấn đề pháp lý sau khi tạm hoãn hợp đồng lao động với lao động nữ mang thai

Người sử dụng lao động đặc biệt lưu ý pháp luật quy định chỉ lao động nữ mang thai mới có quyền tạm hoãn hợp đồng lao động. Trong 15 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn, lao động nữ mang thai có mặt tại nơi làm việc. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ nhận người lao động trở lại làm việc. Trường hợp người lao động không thể có mặt tại nơi làm việc theo thời hạn nêu trên thì hai bên có thể thoả thuận về thời điểm người lao động có mặt.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí lao động nữ mang thai quay lại làm công việc cũ trong hợp đồng đã giao kết. Trường hợp không bố trí được công việc phù hợp thì bố trí làm công việc mới nhưng phải được sự đồng ý của người lao động. Việc thay đổi công việc phải được sửa đổi, bổ sung vào hợp đồng lao động đã ký hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.

Thực tế nhiều người sử dụng lao động vẫn rất lúng túng không biết cách xử lý khi người lao động đề nghị tạm hoãn hợp đồng hoặc xắp xếp công việc cho người lao động khi hết thời hạn tạm hoãn.