Sáp nhập doanh nghiệp đang là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp để cùng nhau hợp tác phân chia lợi nhuận. Đây là một hình thức diễn ra phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam, việc sáp nhập này chủ yếu diễn ra giữa các ngân hàng nhỏ, các doanh nghiệp hay tập đoàn kinh tế. Vậy sáp nhập là gì? Lợi ích đem lại của việc sáp nhập là gì? Tham khảo ngay bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn.
> Đọc thêm: Những việc doanh nghiệp cần làm sau khi thành lập công ty
> Đọc thêm: Thủ tục thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Điều 195 Luật doanh nghiệp 2014 có quy định về sáp nhập như sau:
. Một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.
Như vậy, việc sáp nhập doanh nghiệp có thể hiểu qua ví dụ sau: Công ty A + Công ty B = Công ty A. Trong đó công ty A được gọi là công ty nhận sáp nhập và công ty B được gọi là công ty bị sáp nhập.
Hệ quả sau khi sáp nhập: sau khi tiến hành thủ tục sáp nhập thì công ty B chấm dứt sự tồn tại, toàn bộ tiền tài sản, quyền và nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của công ty B đều được chuyển giao cho công ty A.
Mục lục
Điều kiện để sáp nhập hai hay nhiều công ty
Thứ nhất, các công ty sáp nhập phải là công ty cùng loại.
Thứ hai, trường hợp sáp nhập mà theo đó công ty nhận sáp nhập có thị phần từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của công ty thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành sáp nhập, trừ trường hợp Luật cạnh tranh có quy định khác.
Thứ ba, cấm các trường hợp sáp nhập các công ty mà theo đó công ty nhận sáp nhập có thị phần trên 50% trên thị trường có liên quan, trừ trường hợp Luật cạnh tranh có quy định khác.
Lợi ích từ việc sáp nhập doanh nghiệp
– Mở rộng được quy mô doanh nghiệp: Việc sáp nhập kéo theo việc sáp nhập về lao động, vốn, máy móc thiết bị…Điều này làm cho quy mô của doanh nghiệp tăng lên đáng kể đồng thời cũng chia sẻ rủi ro, tăng cường tính minh bạch về tài chính.
– Khi quy mô doanh nghiệp được mở rộng, doanh nghiệp có thể mở rộng thâm nhập vào các thị trường mới, có thể mở thêm dây chuyền sản xuất mới để đáp ứng như cầu của thị trường. Hơn nữa, quy mô lớn cũng giúp giảm thiểu chi phí trong kinh doanh như giảm thiểu sự trùng lắp trong mạng lưới phân phối, tiết kiệm chi phí hoạt động và chi phí quản lý…
– Sau khi sáp nhập, hai bên có thể khai thác được những lợi thế lẫn nhau, tăng thị phần, tận dụng quan hệ khách hàng, khả năng bán chéo sản phẩm, dịch vụ, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra các cơ hội kinh doanh mới.
Hồ sơ sáp nhập doanh nghiệp
– Hợp đồng sáp nhập;
– Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty nhận sáp nhập;
– Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty bị sáp nhập, trừ trường hợp công ty nhận sáp nhập là thành viên, cổ đông sở hữu trên 65% vốn điều lệ hoặc cổ phần có quyền biểu quyết của công ty bị sáp nhập.
– Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của công ty nhận sáp nhập và các công ty bị sáp nhập.
Hồ sơ khách hàng cần cung cấp
– Bản sao hợp lệ và bản gốc Giấy ĐKKD của các công ty bị sáp nhập;
– Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu và con dấu pháp nhân của các công ty bị sáp nhập;
– Bản sao CMND/Hộ chiếu còn hiệu lực đối với cá nhân và Bản sao ĐKKD/Giấy chứng nhận đầu tư/Quyết định thành lập đối với tổ chức của các thành viên sáng lập/cổ đông sáng lập/chủ sở hữu Công ty nhận sáp nhập;
– Văn bản xác nhận vốn pháp định đối với trường hợp kinh doanh ngành nghề yêu cầu vốn pháp định hoặc Chứng chỉ hành nghề của Giám đốc/Tổng giám đốc/ các nhân khác đối với trường hợp kinh doanh ngành nghề yêu cầu chứng chỉ hành nghề;
– Thông báo xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế và đóng mã số thuế của Cơ quan thuế quản lý;
– Các giấy tờ pháp lý liên quan khác;
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thời gian
Doanh nghiệp thực hiện việc tách chuẩn bị 01 bộ hồ sơ nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và đầu tư
Thời gian: 03 ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ hợp lệ
Việc quyết toán thuế của doanh nghiệp khi sáp nhập
Doanh nghiệp có phải quyết toán thuế khi sáp nhập doanh nghiệp không ?
Đối với doanh nghiệp khi sáp nhập lại với nhau theo quy định tại Khoản 4, Điều 12 Thông tư 156/2013 TT/BTC về khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, “Khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm và khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp đến thời điểm có quyết định về việc doanh nghiệp thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động.”
Như vậy Doanh nghiệp sẽ phải nộp tờ khai quyết toán thuế khi sáp nhập doanh nghiệp đến thời điểm có quyết định về việc sáp nhập doanh nghiệp. Việc lập tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp là theo năm tài chính hoặc năm dương lịch và thời hạn cuối nộp tờ khai là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính
Thời hạn quyết toán thuế
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 10 Thông tư 156/2013 TT/BTC quy định như sau:
“e) Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế đối với trường hợp doanh nghiệp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động chậm nhất là ngày thứ 45 (bốn mươi lăm), kể từ ngày có quyết định về việc doanh nghiệp thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động.”
Như vậy doanh nghiệp phải nộp hồ sơ khai quyết toán thuế khi sáp nhập doanh nghiệp trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày có quyết định về việc doanh nghiệp sáp nhập.
Hy vọng rằng với bài viết của chúng tôi sẽ giải quyết được những vướng mắc về Thủ tục sáp nhập doanh nghiệp và vấn đề thuế theo quy định mới nhất của luật hiện nay. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty TNHH Tư vấn pháp lý LNP .