Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2023

Việt Nam: Điểm sáng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

Bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực mặc dù có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và khó dự báo, với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Đây là nội dung phát biểu của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp 2023. Diễn đàn diễn ra ngày 24/8/2023 tại thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Đón đầu cơ hội từ dòng vốn mới”.

Diễn đàn do Báo Đầu tư tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tham dự Diễn đàn có đại diện các cơ quan quản lý nhà nước; các nhà phát triển bất động sản công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất hiện đang thuê nhà xưởng, kho bãi tại khu công nghiệp, các đơn vị đầu tư, chủ đầu tư các khu công nghiệp tại một số Vùng kinh tế trọng điểm ở phía Bắc – Trung – Nam, các doanh nghiệp phát triển dịch vụ trong các khu công nghiệp; đại diện Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế tại các vùng kinh tế trọng điểm; đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Diễn đàn là cơ hội để các bên liên quan cùng trao đổi, thảo luận những định hướng, giải pháp nhằm vượt qua khó khăn, tận dụng những cơ hội để đón nhận các dòng vốn mới, phát triển thị trường bất động sản nói chung và bất động sản công nghiệp nói riêng một cách lành mạnh, bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nền kinh tế.

Các lợi thế trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, hiện nay, quy mô và xu hướng của dòng vốn đầu tư toàn cầu tiếp tục có sự thay đổi mạnh mẽ do ảnh hưởng của các yếu tố địa chính trị trên thế giới cũng như những biến động nền kinh tế của các quốc gia lớn và nhiều yếu tố khách quan khác.

Bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực mặc dù có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và khó dự báo, với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với các lợi thế như Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt kết quả tăng trưởng tích cực trong bối cảnh khó khăn; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Năm 2022, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 22,4 tỷ USD, cao nhất trong 05 năm qua. Riêng 7 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới và số dự án FDI cấp mới tiếp tục tăng lần lượt 38,6% và 75,5% so với cùng kỳ, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam.

Vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tham gia và triển khai thực hiện hiệu quả 16 Hiệp định FTA đã ký, trong đó có các FTA thế hệ mới với các cam kết sâu rộng và toàn diện như CPTPP, RCEP và EVFTA… Bên cạnh đó, Việt Nam được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ, với gần 38 nghìn dự án, tổng vốn đăng ký hơn 452 tỷ USD.

Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực và thị trường nội địa với gần 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tạo nên một thị trường có sức mua khá lớn. Cùng với đó, các công trình kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ và hoàn thiện, giảm chi phí vận tải, logistics, chi phí đầu vào của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp trong nước cũng nỗ lực không ngừng cải thiện trình độ, năng lực, nâng cao khả năng tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp trong nước với khởi đầu là nhà đầu tư phát triển và kinh doanh bất động sản đã phát triển thành những tập đoàn đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, dần vươn tới các thị trường ngoài nước, góp phần khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là những đóng góp đáng ghi nhận của các doanh nghiệp trong nước trong công cuộc phát triển kinh tế.

Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế

Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư FDI cũng đang diễn ra quyết liệt, đặc biệt là giữa các nước trong khu vực đang tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư để thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 cũng như những căng thẳng địa chính trị trên thế giới, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với bối cảnh trong nước cũng như quốc tế.

Ngày 09/01/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó xác định cụ thể quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, định hướng phát triển không gian kinh tế – xã hội của 06 vùng kinh tế – xã hội trên cả nước. Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển các vùng, địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã và đang triển khai việc xây dựng các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh.

Đây là cơ hội lớn để sắp xếp, tổ chức lại không gian phát triển của các vùng kinh tế – xã hội; trên cơ sở đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, Thứ trưởng nêu rõ.

Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược với một số mục tiêu tổng quát như thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; Mở rộng thị trường; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm nội địa.

Nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài, tăng tỷ lệ đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong phát triển kinh tế – xã hội, tương xứng với những ưu đãi, hỗ trợ được hưởng.

Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, để đạt được những mục tiêu nêu trên, một trong những giải pháp quan trọng cần thực hiện là xây dựng thể chế, chính sách cho khu công nghiệp và các mô hình tương tự khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển và cơ chế, chính sách vượt trội phù hợp với đặc thù của từng mô hình, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ với các khu vực khác.

Đến nay, trên cả nước đã hình thành hệ thống hơn 400 khu công nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 128 nghìn ha, tổng diện tích đất công nghiệp đạt trên 86 nghìn ha. Các khu công nghiệp được hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhà xưởng và chất lượng quốc tế, nghiên cứu thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là hoàn thiện thể chế, với vai trò cơ quan đầu mối, tham mưu về quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang phối hợp với các địa phương, các tổ chức liên quan tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó có việc nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế để trình cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian tới.

Xem thêm: Tình hình đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam 8 tháng năm 2023

Những điểm mới đáng chú ý của luật đầu tư 2020

Để có cơ sở nghiên cứu, xây dựng các chính sách mới, đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển của các khu công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn được lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến các đặc thù của hoạt động đầu tư và kinh doanh bất động sản khu công nghiệp so với các loại bất động sản khác; xu hướng đầu tư vào các khu công nghiệp; các giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của các khu công nghiệp trong nước trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 đã đặt ra một số mục tiêu cụ thể như nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong một số khu vực (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Anh, Hoa Kỳ,…) trong tổng số vốn đầu tư nước ngoài cả nước lên hơn 70% trong giai đoạn 2021-2025 và 75% trong giai đoạn 2026-2030; tăng 50% số lượng Tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 Tập đoàn lớn nhất thế giới; Đến năm 2030 nằm trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu ASEAN và nhóm 60 quốc gia đứng đầu thế giới theo xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới. Để đạt được những mục tiêu nêu trên, việc đẩy mạnh sự phát triển của các khu công nghiệp là hết sức cần thiết, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ Diễn đàn diễn ra hai phiên thảo luận với chủ đề nhận diện các dòng vốn mới; Nắm bắt cơ hội. Theo đó, các diễn giả đã tập trung thảo luận vào các nội dung như phân tích dòng lưu chuyển vốn quốc tế, triển vọng các dòng vốn mới vào Việt Nam; kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất và chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn; cơ hội đón dòng vốn mới từ các chính sách hiện hành và trong tương lai của Việt Nam; phân tích sự dịch chuyển vốn toàn cầu; đánh giá cơ hội cho việc mở rộng phát triển các khu công nghiệp; cơ hội cho các sản phẩm bất động sản công nghiệp chuyên biệt như nhà kho xây sẵn, nhà xưởng xây sẵn, nhà xưởng xây theo yêu cầu, kho lạnh, logistics; nhận diện và đề xuất các giải pháp tháo gỡ các “điểm nghẽn” của các dự án bất động sản công nghiệp cũng như nhận diện các thách thức đặt ra trong phát triển bất động sản công nghiệp bền vững theo tiêu chuẩn môi trường – xã hội – quản trị doanh nghiệp (ESG);…

Theo ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với sự tham gia của các nhà quản lý chuyên ngành của Chính phủ trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, khu kinh tế, khu công nghiệp và nhiều nhà phát triển bất động sản công nghiệp hàng đầu của thế giới và Việt Nam, các nội dung được thảo luận nhằm nhận diện được rõ hơn về xu hướng các dòng vốn đầu tư trực tiếp sẽ đổ vào Việt Nam trong thời gian tới. Đây sẽ là những thông tin hữu ích đối với cả các nhà hoạch định chính sách cũng như cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các nhà đầu tư, các nhà phát triển bất động sản công nghiệp riêng./.