Đầu tư ra nước ngoài là gì? Các lưu ý đối với nhà đầu tư khi lựa chọn hình thức đầu tư này

Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài là việc nhà đầu tư chuyển vốn; hoặc thanh toán mua một phần hoặc toàn bộ cơ sở kinh doanh; hoặc xác lập quyền sở hữu để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ngoài lãnh thổ Việt Nam; đồng thời trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư đó.

> Đọc thêm: Thủ tục mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài cho nhà đầu tư theo quy định mới nhất năm 2020

Các hình thức đầu tư ra nước ngoài

Theo quy định của Luật đầu tư năm 2014, cá nhân, tổ chức khi đầu tư ra nước ngoài được lựa chọn đầu tư dưới các hình thức sau:

  • Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;
  • Thực hiện hợp đồng BCC ở nước ngoài; và
  • Mua lại một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý và thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại nước ngoài;

Vốn đầu tư ra nước ngoài từ Việt Nam thể hiện dưới một trong các hình thức sau

  • Ngoại tệ trên tài khoản tại tổ chức tín dụng được phép hoặc mua tại tổ chức tín dụng được phép hoặc ngoại hối từ nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;
  • Đồng Việt Nam phù hợp với pháp luật về quản lý ngoại hối của Việt Nam;
  • Máy móc, thiết bị; vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, hàng hóa thành phẩm, hàng hóa bán thành phẩm; và
  • Giá trị quyền sở hữu công nghiệp, bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ, dịch vụ kỹ thuật, quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu.

Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài từ Việt Nam

 Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư sau đây:

  • Dự án có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên; và
  • Dự án yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

Trừ các trường hợp Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư sau đây:

  • Dự án thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên; và
  • Dự án đầu tư không thuộc trường hợp nêu trên có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên.

Các dự án không thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội cũng như Thủ tướng chính phủ thì do Bộ Kế Hoạch và Đầu tư quyết định.

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài từ Việt Nam

Đối với các dự án đầu tư thuộc diện phải quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài từ Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư.

Đối với dự án không thuộc trường hợp phải quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài từ Việt Nam, nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hồ sơ gồm:

  • Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
  • Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
  • Quyết định đầu tư ra nước ngoài;
  • Văn bản cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản của tổ chức tín dụng được phép cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư;
  • Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài từ Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, khoa học và công nghệ, nhà đầu tư nộp văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, Luật chứng khoán, Luật khoa học và công nghệ, Luật kinh doanh bảo hiểm;
  • Tài liệu xác định địa điểm thực hiện dự án đầu tư được áp dụng đối với các dự yêu cầu phải có tài liệu xác nhận địa điểm thực hiện dự án đầu tư; và
  • Văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự án đầu tư.

Một vài lưu ý khi thực hiện dự án đầu tư tại nước ngoài 

Về thời hạn triển khai dự án

Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp phải được nước tiếp nhận chấp thuận, không quá 6 tháng kể từ ngày dự án đầu tư được nước tiếp nhận chấp thuận, doanh nghiệp phải tiến hành triển khai thực hiện dự án.

Quá thời hạn này, doanh nghiệp phải có Văn bản đề nghị chấm dứt thực hiện dự án gửi Bộ kế hoạch và đầu tư hoặc có văn bản đề nghị kéo dài thời hạn triển khai dự án. Tuy nhiên, việc gia hạn triển khai thực hiện dự án cũng chỉ được thực hiện không quá 02 lần , mỗi lần không quá 06 tháng.

Về tuyển dụng lao động

Doanh nghiệp trực tiếp hoặc thông qua tổ chức giới thiệu việc làm để tuyển dụng lao động Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước tiếp nhận đầu tư để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam tại nước ngoài.

Chuyển vốn đầu tư  ra nước ngoài

Các hình thức chuyển tiền dịch vụ, mang tiền đi du lịch hay thông qua giao dịch bất hợp pháp để tiến hành đầu tư  đã từng bị cơ quan chức năng cảnh báo. Việc chuyển vốn sẽ được thực hiện sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và các chấp thuận từ quốc gia tiếp nhận đầu tư.

Chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài và ngược lại phải được thông qua một tài khoản mở tại một tổ chức tín dụng trong nước dưới sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

Tuân thủ các nghĩa vụ về tài chính và thuế

Nhà đầu tư phải có xác nhận của cơ quan thuế về nghĩa vụ nộp thuế trước khi đầu tư  ra nước ngoài. Việc hoàn tất các thủ tục thuế với cơ quan thuế của quốc gia tiếp nhận đầu tư cần được đặc biệt quan tâm.

Các nhà đầu tư luôn chọn quốc gia có mức thuế thấp để đầu tư , cũng như Việt Nam, để được hưởng ưu đãi đều phải thông qua các thủ tục pháp lý. Cũng cần xem xét quốc gia đó có hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam hay không (đã ký với 73 quốc gia và vùng lãnh thổ, tính đến 1/8/2015) để tối đa hóa lợi ích về thuế.

Trên đây là những tư vấn của Công ty chúng tôi về Những lưu ý đối với nhà đầu tư khi lựa chọn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài . Hi vọng bài viết đem lại các thông tin hữu ích đối với Quý khách hàng.